Tình trạng đuối nước ở trẻ nhỏ và một số biện pháp phòng ngừa

Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, vẫn diễn biến phức tạp, cần sự quan tâm, chủ động phòng ngừa của toàn xã hội.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hằng năm có trên 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước, 2/3 trường hợp xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, đuối nước cướp đi mạng sống của gần 3.000 trẻ em mỗi năm, chiếm trên 45% số ca trẻ tử vong do tai nạn thương tích trên cả nước. Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, trong 5 năm, từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã thực hiện 3.942 vụ CNCH dưới nước (chiếm 25% tổng số vụ CNCH đã thực hiện) và một điểm đặc biệt lưu ý là số vụ tai nạn đuối nước tăng mạnh và nhanh trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, do đây là giai đoạn trẻ em được nghỉ học, không có sự giám sát của nhà trường, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trung bình của giai đoạn này là cao nhất trong năm nên mọi người có nhu cầu đi tắm ở các khu vực dễ xảy ra đuối nước như thác, hồ, sông, biển... Có thể kể đến một số vụ tai nạn đuối nước thương tâm trong thời gian gần đây như vụ đuối nước đã xảy ra vào chiều ngày 13/4/2021 tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai làm 03 trẻ mầm non bị thiệt mạng; vụ đuối nước vào ngày 23/4/2021 tại xã Hoàng Hải, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa làm 4 học sinh bị đuối nước dẫn đến tử vong;…

 Ảnh 1,2: Hiện trường vụ đuối nước ở Đồng Nai và Thanh Hóa

Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đang nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại về người do nguyên nhân đuối nước gây ra. Tuy nhiên, năm nay mới chỉ bước vào mùa nắng, nóng mà liên tiếp các sự cố, tai nạn đuối nước xảy ra cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em, qua đây có thể thấy công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do đuối nước gây ra cần phải được quan tâm hơn nữa, một số các biện pháp cụ thể như sau:

Một là, cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở và hộ gia đình về sự nguy hiểm của tai nạn đuối nước đối với trẻ nhỏ, qua đó nắm được trách nhiệm của mình trong việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục về kiến thức đuối nước, các kỹ thuật, kỹ năng đối phó với các tình huống đuối nước phù hợp với từng lứa tuổi. Mặt khác, phụ huynh phải có sự giám sát chặt chẽ với con em mình đồng thời dạy cho trẻ biết được mối nguy hiểm của đuối nước, không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.

 Ảnh 3,4: Trẻ em đi tắm không có sự giám sát của người lớn

Hai là, phải có các biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để đảm bảo an toàn như làm rào chắn, chặn lối vào các khu vực dễ xảy ra đuối nước như: Sông, suối, ao, hồ, hố sâu, thác nước, nơi dễ bị trượt, ngã nguy hiểm… Nhà có trẻ nhỏ không nên để thùng, bể, lu nước… nếu bắt buộc phải có thì phải có nắp đậy để trẻ em không mở nắp được.

 Ảnh 5,6: Phải có các biện pháp cảnh báo nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước

Ba là, tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ nhỏ, trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để tự cứu mình khi bị rơi xuống nước và lồng ghép nội dung bơi và kĩ năng tự cứu vào trong nhà trường từ cấp tiểu học. Tuy nhiên, theo lời khuyên của học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) thì không nên cho trẻ bơi trước 4 tuổi vì lúc này trẻ không đủ các kỹ năng cần thiết.

Ảnh 7,8: Dạy bơi và các kỹ năng cần thiết cho trẻ em

Bốn là, phụ huynh (người lớn) phải trang bị cho mình về các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, lấy dị vật trong miệng, mũi nạn nhân… để sơ cứu người bị đuối nước. Chú ý một số phương pháp cứu người đuối nước dân gian như việc sốc nước, vác nạn nhân lên vai chạy… đã được chứng minh là những việc làm không đúng và cần tránh để không làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu người bị nạn.

 Ảnh 9, 10: Hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu

Năm là, ngoài kỹ năng bơi, phụ huynh (người lớn) cũng cần trau dồi các kỹ năng cứu người bị đuối nước trong các tình huống người bị nạn còn tỉnh và bất tỉnh. Một số phương pháp cứu người bị đuối nước như: Bơi dìu người bị nạn, quăng phao, quăng dây,… hay các cách phá khóa khi người bị nạn ôm, kéo…

Trên đây là một số các phương pháp, biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước của trẻ em đang diễn ra rất phức tạp ở nước ta./.

Nguồn: Cục C07
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu