Đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương, đốt vàng mã trong tháng 7 âm lịch
Tháng 7 âm lịch hằng năm theo truyền thống của người dân Việt Nam thường tổ chức cúng “cô hồn”, đi lễ ở các đền, chùa, miếu… cầu may mắn, bình an. Đi kèm với hoạt động tâm linh đó là việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, nhất là vào các ngày gần ngày rằm tháng 7 âm lịch. Thực tế đã có không ít những vụ cháy xảy ra mà nguyên nhân là do việc bất cẩn trong quá trình thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã gây ra, gây thiệt hại về người và tài sản, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình và gánh nặng cho xã hội. Chính vì vậy, việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã cần phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Các vụ cháy do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân sau: Việc bố trí bàn thờ, lư hương gần các vật liệu dễ cháy, nơi đun nấu, không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC; thắp quá nhiều chân hương hoặc bố trí vàng mã gần lư hương, đèn dầu, nến nên dễ gây cháy lan, cháy lớn. Vị trí đốt vàng mã gần với các vật liệu dễ cháy, trong quá trình thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã không có người trông coi, nguy cơ cháy lan từ lư hương, nến, nơi hoá vàng mã qua các vật dụng dễ cháy xung quanh, nếu quá trình phát hiện thấy cháy muộn, việc chữa cháy ban đầu của người dân hoặc cơ sở không hiệu quả dẫn đến cháy lan và cháy lớn. Có nhiều hộ gia đình chưa được trang bị bình chữa cháy, chưa được tập huấn kiến thức phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng chữa cháy và thoát nạn do đó khi đám cháy mới phát sinh công tác chữa cháy ban đầu không hiệu quả, dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Để đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thắp thương thờ cúng, đốt vàng mã trong dịp rằm tháng 7 âm lịch. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy và chưa cháy như sau:
1. Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt khi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…
2. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan qua khu vực xung quanh. Đèn dầu, lư hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy để đảm bảo không cháy lan khi chân hương trong lư hương cháy hoặc đèn dầu, nến bị rơi; trên bàn thờ nên bố trí ít các vật liệu dễ cháy.
3. Đốt vàng mã phải đúng nơi quy định; tuyệt đối không thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã tại khu vực cấm sử dụng ngọn lửa trần, đốt vàng mã, thắp hương thờ cúng như tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cửa hàng xăng dầu, các chợ, trung tâm thương mại, …; trước khi đốt vàng mã phải chọn khu vực kín gió, hoặc sử dụng các vật dụng che chắn tránh gió cuốn tàn lửa qua các khu vực xung quanh gây cháy lan, cháy lớn; trong thời gian thắp hương thờ cúng, hoá vàng mã phải có người trông coi.
4. Thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện tại khu vực đặt bàn thờ để kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót và có biện pháp khắc phục đảm bảo điều kiện an toàn PCCC. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi thờ cúng, ngắt các thiết bị điện không cần thiết.
5. Tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy và chữa cháy do Cơ quan Công an, chính quyền địa phương tổ chức; chủ động trang bị tối thiểu một bình chữa cháy xách tay cho hộ gia đình để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
6. Khi xảy ra cháy nổ, sự cố tai nạn, báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại nóng 114.