Tăng cường công tác PCCC tại các khu cách ly trên địa bàn tỉnh
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 158 khu cách ly, khám, chữa bệnh nhân Covid-19 sẵn sàng hoạt động với khả năng thu dung 16.507 người. Đây là các cơ sở chủ yếu thay đổi công năng từ các trường học, trung tâm huấn luyện, các đơn vị quân đội, khách sạn. Đặc điểm chung của các cơ sở này là có diện tích rộng, bố trí nhiều giường bệnh, sử dụng nguồn điện nhiều, trữ lượng chất cháy lớn như: thiết bị y tế, bình oxy, máy trợ thở, hóa chất, phim X-quang, các chất oxy hóa, chăn, màn, quần áo và tư trang cá nhân... Khi xảy ra cháy, khói và khí độc lan tỏa mạnh, việc tổ chức thoát nạn cho bệnh nhân và người cách ly, cán bộ, nhân viên phục vụ gặp nhiều khó khăn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, thì công tác đảm bảo PCCC và CNCH tại khu cách ly tập trung, điều trị bệnh nhân Covid-19 phải được thực hiện nghiêm túc, ngăn chặn các nguy cơ xảy ra cháy, nổ.
Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH,Công an tỉnh Thanh Hoá đã chủ động tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cử cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở khám, chữa bệnh, khu cách ly tập trung, xây dựng phương án đảm bảo an toàn PCCC và CNCH cho từng cơ sở khám, chữa bệnh, khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, để bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại các khu khám, chữa bệnh người đứng đầu các cơ sở cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau: Duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trong suốt quá trình hoạt động của cơ sở theo quy định tại Điều 5, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, ổ cắm điện, thiết bị điện dùng có tiêu thụ và sinh hoạt của nhân viên, bệnh nhân phải đảm bảo an toàn PCCC. Bố trí khu vực chứa, đường dẫn ống oxy, bình oxy đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định an toàn về PCCC, có biển cảnh báo nguy hiểm cháy, nổ. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; cẩn trọng khi đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã, hàn cắt kim loại; sắp xếp hàng hoá, vật liệu dễ cháy cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt và không làm che chắn, cản trở các thiệt bị, phương tiện PCCC tại chỗ... Nghiêm cấm các hành vi khoá, chèn, chặn các cửa thoát nạn, để các vật tư cản trở đường, lối thoát nạn; đầu trư trang bị và sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC và thoát nạn tại chỗ; khi có sự cố cháy, nổ phải gọi điện báo ngay cho cơ quan Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114. Tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC thường xuyên tại cơ sở trong phạm vi quản lý; định kỳ có báo cáo kết quả kiểm tra về Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Thanh Hoá quy định tại Khoản 3, Điều 16, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Ban hành nội quy, biện pháp về PCCC và CNCH; niêm yết biển báo, biển chỉ dẫn lối thoát nạn, thoát hiểm vị trí phương tiện chữa cháy... để dễ dàng thoát hiểm và sử dụng phương tiện chữa cháy. Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH. Thành lập các tổ, đội PCCC cơ sở tại các khu cách ly để xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Xây dựng tình huống cháy giả định và thực tập CC và CNCH. Trang bị và duy trì hoạt động của phương tiện PCCC và CNCH. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC, CNCH tại cơ sở.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn PCCC đối với việc sử dụng máy thở, bình oxy, nhân viên y tế sử dụng đúng quy trình kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra đối với bình oxy và máy thở; hướng dẫn, bố trí bệnh nhân, người làm việc thận trọng trong việc sử dụng điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, biết sử dụng phương tiện PCCC tại chỗ, chủ động nắm bắt các vị trí cửa, đường, lối thoát nạn và có phương án di chuyển khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Có như vậy, công tác phòng chống cháy nổ tại các khu cách ly, khám và điều trị bệnh nhân Covid – 19 mới được đảm bảo, để người dân, bệnh nhân yên tâm cách ly và điều trị, phòng chống dịch bệnh Covid – 19.