Hiệu quả từ mô hình “Khu dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy” ở TP Thanh Hóa

Mới tháng trước, đột nhiên dây điện trên cây cột điện trước nhà tôi chập cháy, lan gần đến mái tôn của nhà liền kề cây cột điện. Nghe mọi người hô hoán, tôi chạy về nhà lấy bình chữa cháy ra xịt. Lúc sau, khi đám lửa đã được dập, người dân trong ngõ mới thở phào nhẹ nhõm. Trước đó, cây cột điện ở ngoài xóm cũng xảy ra vụ chập cháy dây điện, tôi và đồng chí tổ trưởng tổ dân phố chạy về lấy bình chữa cháy ra xịt tắt ngay đám cháy. Qua 2 vụ chữa cháy bằng bình chữa cháy nêu trên, bản thân tôi và người dân, nhất là các hộ làm nghề vàng mã thấy việc trang bị các thiết bị chữa cháy trong nhà là rất cần thiết” - anh Nguyễn Công Cường, khu phố Mật Sơn II, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa chia sẻ với chúng tôi.

 

EmailPrintTwitter  Facebook

 

Công an TP Thanh Hóa cùng cán bộ khu phố Mật Sơn II, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa kiểm tra bình chữa cháy xách tay.

 

Như để minh chứng cho những gì mình nói, anh Cường vào nhà xách 2 bình chữa cháy. Hai bình này luôn được gia đình anh để cố định tại chiếu nghỉ cầu thang tầng 1 để khi có sự cố xảy ra thì xử lý cho kịp thời. “Gia đình tôi làm hàng mã mấy chục năm rồi, có những năm hàng bán chạy, cả nhà chất đầy nguyên liệu tre, nứa, giấy... nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc mua bình chữa cháy hoặc lắp các thiết bị chữa cháy ở nhà. Từ tháng 10-2019 đến nay, được sự tuyên truyền thường xuyên, liên tục của phố, phường về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), bản thân gia đình cũng nhận thức được sự nguy hiểm của việc cháy nổ nên đã tự bỏ tiền ra mua 2 bình chữa cháy xách tay, loại 4 kg/bình về để trong nhà. Trên nóc nhà, gia đình còn làm một hệ thống ống nước, nhỡ phát sinh cháy thì có nguồn nước dập kịp thời” - anh Cường cho biết thêm.

Cũng như anh Cường, nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC là bảo vệ tính mạng, tài sản cho gia đình và người dân xung quanh nên anh Nguyễn Đức Hùng cũng đã đăng ký với phố mua 1 bình chữa cháy cho gia đình. Ngoài ra, trên nóc nhà anh Hùng treo rất nhiều hàng mã nhưng không treo dày đặc, tràn lan, mà hàng hóa được chia nhỏ, treo từng góc một. Hỏi ra chúng tôi mới biết, treo hàng như vậy vừa dễ phân loại mặt hàng lại vừa thuận tiện cho công tác chữa cháy. Bởi, nếu gặp lửa bén, có thể dùng bình chữa cháy xịt vào chỗ cháy, việc bén lửa và lây lan lửa diện rộng cũng không cao.

“Người dân thay đổi nhận thức trong công tác PCCC như trên là nhờ sự ra đời của mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” đấy cô ạ” - ông Phạm Ngọc Oánh, tổ trưởng tổ dân phố Mật Sơn II, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa nói như vậy trong khi dẫn chúng tôi đi thăm một vòng các hộ dân làm hàng mã. Ông Oánh cho biết: Phố Mật Sơn II có 341 hộ dân, với 1.120 khẩu, trong đó có khoảng 22 hộ dân làm nghề hàng mã quanh năm nên nguyên liệu giấy, tre, nứa nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Trước thực trạng trên, tháng 10-2019, phố được Công an TP Thanh Hóa lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư an toàn về PCCC”. Tham gia mô hình, cán bộ phố cũng như người dân được diễn tập PCCC, tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; được hướng dẫn các biện pháp sử dụng điện an toàn – tiết kiệm – hiệu quả, các biện pháp để phòng, chống cháy, nổ trong sử dụng điện, sắp xếp hàng hóa... Ngoài ra, phố còn được trang bị 10 bình chữa cháy. Phố đã giao bình chữa cháy cho 8 tổ an ninh xã hội để khi tổ dân phố có sự cố chập, cháy thì thành viên tổ an ninh xã hội sẽ đến ứng cứu kịp thời.

Điều rất đáng mừng là từ khi mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC” đi vào hoạt động, người dân có ý thức hơn hẳn trong công tác PCCC. Đã có 20 hộ dân đăng ký mua bình chữa cháy. Nhiều hộ dân làm nghề đã tự trang bị bình chữa cháy, nâng cao ý thức trong sắp xếp hàng hóa, nấu ăn, thờ cúng, sinh hoạt gia đình chứ không chủ quan, lơ là như trước kia nữa.

Trao đổi thêm với chúng tôi về hiệu quả của mô hình điểm “Khu dân cư an toàn PCCC” phố Mật Sơn II, Trung tá Trương Văn Hoàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Thanh Hóa, cho biết: Việc xây dựng mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC” nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào “Toàn dân PCCC”, xây dựng và củng cố lực lượng PCCC tại chỗ ở địa bàn dân cư theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ); đảm bảo làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý, cứu chữa kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong công tác PCCC; phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng PCCC sâu rộng, hiệu quả, nâng cao ý thức, kiến thức PCCC cho quần chúng Nhân dân tại khu dân cư, hộ gia đình. Sau gần 2 năm mô hình đi vào hoạt động, ý thức chấp hành pháp luật về công tác PCCC của mỗi người dân chuyển biến rõ rệt. Từ chỗ người dân xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát PCCC, nay người dân đã thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác này. Từ hiệu quả của mô hình, Công an TP Thanh Hóa dự kiến sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn một số xã, thị trấn; đồng thời xây dựng thêm mô hình điểm “Chợ an toàn PCCC” tại chợ Đình Hương, phường Đông Thọ.

 

 

Nguồn: Ngân Hà - Báo Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu