Mô hình “Doanh nhân với ANTT” góp phần giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Được triển khai xây dựng từ năm 2008, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, với những cách làm hay, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, mô hình “Doanh nhân với ANTT ở huyện Nga Sơn đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc giúp đỡ người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, có việc làm ổn định, tái hòa nhập cộng đồng. Đây là một trong những mô hình mang đậm tính nhân văn sâu sắc, góp phần bảo đảm ANTT và chung tay cùng các cấp, các ngành giúp đỡ người có quá khứ lỗi lầm hướng hiện trở thành công dân có ích...

Anh Trần Văn Sùng ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn là một trong số những người lầm lỗi trên địa bàn huyện Nga Sơn đã được mô hình “Doanh nhân với ANTT” hỗ trợ, giúp đỡ vay vốn làm ăn sau khi ra tù trở về địa phương, đến nay bằng sự cố gắng nỗ lực của bản thân và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, nhất là lực lượng công an và Hiệp hội Doanh nhân huyện Nga Sơn, anh Sùng đa trở thành “ông chủ” của một doanh nghiệp chế tác đá  và trở thành một doanh nhân thành đạt. Cách đây hơn chục năm, khi đang là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp, anh Sùng bị đám bạn xấu rủ rê đi tiêu thụ tiền giả, bị Công an bắt và phải trả giá bằng 4 năm tù giam. Năm 2008, trở về cộng đồng với 2 bàn tay trắng, anh cảm thấy bi quan, chán nản trước ánh mắt nghi ngại của không ít người. Trong lúc bi quan, không kiếm được việc làm thì Công an huyện và Hiệp hội Doanh nhân Nga Sơn triển khai mô hình “Doanh nhân với ANTT”. Mọi người đến thăm hỏi, động viên, trò chuyện, tạo điều kiện cho anh được vay vốn với số tiền 40 triệu đồng từ Quỹ “Doanh nhân phòng chống tội phạm” để anh mở xưởng sản xuất, chế tác đá ốp lát. 

Từ số vốn vay được, anh Trần Văn Sùng đã đầu tư mở rộng sản xuất, làm ăn có lãi. Không những anh trả hết nợ, mà còn mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở gạch ốp lát của anh Trần Văn Sùng còn tạo công ăn việc làm cho 11 lao động, với mức thu nhập 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.  

Ngoài trường hợp anh Trần Văn Sùng, còn có nhiều điển hình khác đã đứng dậy từ vấp ngã, tự tin làm lại cuộc đời. Như anh Phạm Văn Bường ở xã Nga An, được vay 55 triệu đồng từ Quỹ “Doanh nhân với ANTT”, anh lập xưởng gạch, đại lý xi măng, thu mua lõi cói, bố trí việc làm cho 11 lao động với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Bùi Bá Sơn, ở Nga An được vay 60 triệu đồng, đã đầu tư chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi cá, thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng; anh Trình Văn Lợi ở xã Nga Nhân, được vay 3 lần với số tiền 45 triệu đồng đã đầu tư làm 8 nghề, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động được đặc xá, mãn hạn tù trở về địa phương…

Lễ ra mắt mô hình "Doanh nhân với ANTT: ở huyện Nga Sơn vào tháng 10/2008

 

Sau hơn 10 năm thực hiện mô hình, đã có 118 lượt người lầm lỗi trên địa bàn huyện Nga Sơn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh (chiếm gần 30% tổng số người lầm lỗi) với tổng số tiền trên 1.400 triệu đồng; Ngân hàng chính sách lồng ghép cho vay số tiền trên 2 tỷ đồng. Công an huyện chủ trì phối hợp với Hiệp hội doanh nhân, ngân hàng chính sách, Ủy ban MTTQ huyện và các đoàn thể tổ chức gặp mặt, động viên gần 400 lượt người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để những người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng; tặng gần 400 suất quà trị giá trên 100 triệu đồng cho những người lầm lỗi. 

Thông qua các buổi gặp mặt, lực lượng Công an kết hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là những quy định mới của nhà nước, địa phương liên quan đến công tác đảm bảo ANTT... Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn về quy trình, thủ tục vay vốn “Quỹ doanh nhân phòng, chống tội phạm” và các cơ chế, chính sách cho vay vốn hiện hành; Hiệp hội doanh nhân định hướng, tư vấn việc làm, trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Công an huyện cũng hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù làm lại các giấy tờ công dân như CMND, CCCD, đăng ký xe mô tô, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT để sản xuất, kinh doanh. Hiệp hội doanh nhân Nga Sơn đã nhận 45 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc tại các doanh nghiệp có thu nhập ổn định.

Mô hình “Doanh nhân với ANTT” đã thể hiện được tính nhân văn sâu sắc và khẳng định được tính hiệu quả thực tiễn đối với công tác đảm bảo ANTT nói chung và công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người lầm lỗi nói riêng. Qua đó, đã thu hút được sự quan tâm của các đơn vị, địa phương học tập kinh nghiệm, triển khai nhân rộng mô hình./.

Tác giả: Minh Phương
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu