Hiệu quả tích cực từ mô hình "Camera với an ninh, trật tự"

Mô hình “Camera với an ninh trật tự” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo đảm ANTT, góp phần phòng ngừa,phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn kịp thời với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đây được xem là “tai mắt”, là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an nhân dân. 
Thực hiện Chỉ thị số 09/CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia của quần chúng Nhân dân phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, nhất là công tác xây dựng mô hình tự quản về ANTT đã được quan tâm chỉ đạo, trong đó có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đặt biệt là mô hình “Camera với an ninh trật tự” đã góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng, triển khai 56 mô hình “Camera với ANTT” tại 18 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có nhiều nơi mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực, điển hình như: Tại huyện Đông Sơn từ khi mô hình "camera với ANTT" đưa vào hoạt động cho đến nay, hệ thống camera đã cung cấp 64 vụ, việc thông qua hình ảnh hỗ trợ để xác định các đối tượng vi phạm, phương tiện, công cụ phạm tội. Trong đó, xác định diễn biến, phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông 21 vụ; trộm cắp tài sản 12 vụ, cướp giật tài sản 1 vụ, cố ý gây thương tích 10 vụ và 20 vụ thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng Công an xã. Đặc biệt gần đây nhất, thông qua hình ảnh camera trên địa bàn đã giúp lực lượng công an phát hiện, bắt giữ đối tượng Phạm Văn Hậu, sinh năm 1989 ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn có hành vi cướp giật tài sản, thu giữ 100 trăm triệu đồng. Hay vụ sử dụng súng, gây rối trật tự công cộng tại khu vực cầu Đông Hương, Đại lộ Lê Lợi, TP.Thanh Hóa, thông qua trích xuất camera an ninh đã giúp lực lượng công an củng cố hồ sơ, tài liệu để điều tra làm rõ và bắt giữ các đối tượng có liên quan trong vụ án; vụ việc tại Công ty Inkyung ViNa; Công ty TNHH may Phú Anh, qua hệ thống camera giám sát lực lượng Công an đã phối hợp phát hiện có hoạt động rải tờ rơi, kêu gọi đình công của công nhân, từ đó sớm tham mưu giải quyết kịp thời, không để xảy ra phức tạp kéo dài…
Đồng chí Đại tá Phan Thị Hường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa
dự và chỉ đạo buổi ra mắt mô hình “Camera giám sát an ninh”
Mô hình "Camera với ANTT" là minh chứng hiệu quả của việc sử dụng khoa học công nghệ hỗ trợ lực lượng Công an trong quản lý địa bàn. Trước đây khi chưa có camera, lực lượng Công an còn hạn chế về số lượng, lại phải phụ trách nhiều địa bàn rộng, dân số đông, vì vậy công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi hệ thống camera được đưa vào hoạt động, từ trụ sở làm việc có thể theo dõi được địa bàn rộng, những điểm nóng, kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ Công an khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Mặt khác, thông qua camera an ninh có thể phát hiện kẻ xấu, kẻ gian, đấu tranh xử lý tội phạm, ngăn chặn đối tượng phạm tội đang diễn ra. Từ những camera có sẵn của các hộ dân, các cơ sở kinh doanh, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn tạo thành một hệ thống rộng khắp, khi có vụ, việc về an ninh, trật tự, lực lượng chức năng có thể liên hệ để trích xuất hình ảnh, phục vụ cho công tác truy xét, truy bắt đối tượng gây án, xử lý chính xác các vụ việc về an ninh, trật tự, an toàn giao thông, kịp thời ngăn chặn đối tượng phạm tội đang diễn ra, thông qua các hình ảnh trực tiếp ghi nhận được…
Camera an ninh cũng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Thực tế, ở những nơi có lắp đặt camera đã có tác động không nhỏ đến người tham gia giao thông, giúp họ tự giác chấp hành nghiêm Luật giao thông hơn khi biết mình có thể bị phát hiện và xử lý bất cứ lúc nào nếu vi phạm. Ngoài ra đối với tình trạng thanh thiếu niên lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, tình trạng xả rác bừa bãi, xả rác trộm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường cũng được kiềm chế.
Đối với các đối tượng hình sự, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp vặt; một số tụ, điểm các đối tượng nghiệm ma túy thường xuyên lui tới để tiêm chích, sử dụng trái phép chất ma túy… việc lắp đặt camera giám sát cũng làm các phần tử này bị tác động tâm lý, không giám mạnh động hoặc từ bỏ hành vi vi phạm pháp luật khi nhìn thấy có camera vì lo sợ hành vi của mình có thể bị ghi lại.
Có thể nói, việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Camera với an ninh trật tự” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, là việc làm thật sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo đảm tốt ANTT.
Trong thời gian tới lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh, trật tự, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó có mô hình “Camera với an ninh trật tự” góp phần chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội để mọi người dân trong toàn tỉnh có cuộc sống bình yên./.
Tác giả: Ngọc Dũng
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu