Cải cách hành chính, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ Đề án 06
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, việc triển khai Đề án 06 mỗi năm sẽ tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phát triển Chính phủ số, công dân số, xã hội số.
Báo cáo tại Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế được Chính phủ tổ chức sáng nay 10/6, trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trên cả nước, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin: Qua 1 năm triển khai Công văn 452 của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng cơ bản có sự chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long báo cáo tại hội nghị.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, mục tiêu là triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng đã có những giải pháp cụ thể nhằm triển khai nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương mình.
Đối với 23 nhiệm vụ chỉ đạo tại Công văn 452, các bộ ngành đã hoàn thành 1/8 nhiệm vụ chung và 11/15 nhiệm vụ cụ thể. Về cải cách TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, đơn giản hóa 763/1.084 TTHC được giao tại 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 70%).
Đề xuất mức phí, lệ phí thực hiện TTHC theo hướng ưu đãi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến: Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (mức giảm từ 50% đến 80% đối với 8 khoản phí, lệ phí đến hết năm 2025). Đã có 62/63 địa phương ban hành Nghị quyết của HĐND miễn giảm phí, lệ phí.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long báo cáo tháo gỡ về 6 "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06.
Tính đến hết tháng 4 năm 2024, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính), trong đó, có 3.688 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở địa phương đạt 47,8%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt 49,4%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở bộ, ngành đạt 24,11%; ở địa phương đạt 43,11% trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.
Đến nay, đã có 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trong đó, riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 đã giúp hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.
Đối với 2 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” triển khai chính thức trên toàn quốc từ 10/7/2023, giúp cắt giảm từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc, người dân chỉ khai thông tin 1 lần để giải quyết 3 TTHC.
Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chip và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,68%). Bộ Công an đã tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia và các ứng dụng của các Bộ, ngành với trung bình khoảng 150.000 lượt đăng nhập/ngày từ đầu năm 2024 đến nay, dự kiến tiết kiệm được 32 tỷ đồng mỗi tháng.
Thực hiện tích hợp thông tin cư trú (sổ hộ khẩu điện tử) của công dân lên tài khoản định danh điện tử, là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu giấy giúp tiết kiệm khoảng 450 tỷ đồng mỗi tháng….
“Đã chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày 22/4/2024 tại TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế với 2.667 hồ sơ nộp trên VNeID giúp người dân có nhu cầu đều có thể thực hiện đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Đặc biệt, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết hỗ trợ 100% phí cấp lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID đối với công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn TP Hà Nội có tài khoản VNeID mức độ 2. Với nhu cầu 2,6 triệu Phiếu lý lịch tư pháp hàng năm, dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Long thông tin.
Về hạ tầng công nghệ, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, hiện có 124 hệ thống thông tin đã kết nối hoặc có nhu cầu kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác định có 96/124 hệ thống thông tin đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng (tương đương 77,4%); 103/124 hệ thống thông tin đã thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 25,66%, của địa phương đạt 29,74%.
Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 25,68%, địa phương đạt 34,85%. Đến nay, đã có 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Tỷ lệ tra cứu, xác thực, khai thác thông tin dân cư phục vụ giải quyết TTHC ngày càng tăng, ví dụ trong tháng 4/2024, đã tiếp nhận 1,53 tỷ yêu cầu (tăng hơn 15,96 triệu yêu cầu so với tháng 3/2024),… giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra xác minh, sao in hồ sơ, giấy tờ tùy thân. Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ để tạo thuận lợi cho việc thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến.
Về nguồn lực triển khai trong giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng nêu rõ 6 “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, cụ thể: Điểm nghẽn về pháp lý; điểm nghẽn về dịch vụ công trực tuyến; điểm nghẽn về hạ tầng công nghệ; điểm nghẽn về dữ liệu; điểm nghẽn về an ninh, an toàn bảo mật và điểm nghẽn về nguồn lực triển khai.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, cơ quan thường trực đã xác định 6 nguyên nhân, 6 bài học kinh nghiệm và 35 nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới; đề nghị các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND 63 địa phương cần quan tâm, thực hiện để tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nhân lực, kinh phí; trong đó, trọng tâm Bộ Tài chính tập trung hoàn thành quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Văn phòng Chính phủ phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn về Luật giá. Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành 2 Nghị định gồm Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, bảo đảm thống nhất triển khai thực hiện, phục vụ Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/7/2024 và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Các bộ, ngành hoàn thiện tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với những TTHC được quy định tại Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 và Quyết định 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024, đặc biệt là 6 TTHC chậm muộn thuộc trách nhiệm của 6 bộ, ngành.