Chiều 07/6, UBND thành phố Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Căn cước; truyền thông dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Nghị định số 50/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND và các phòng, ban, đơn vị thành phố: đại diện lãnh đạo ủy ban MTTQ, UBND, Công chức Tư pháp- Hộ tịch, Văn phòng - Thống kê, Trưởng Công an các phường, xã; Phó Trưởng Công an phường, xã phụ trách ANTT, cảnh sát khu vực, các đồng chí là Trưởng phố, thôn tại các phường, xã trên địa bàn TP. Thanh Hóa.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa nhấn mạnh: Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đã xác định rõ nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước là bảo đảm quyền con người và quyền công dân, bảo vệ chặt chẽ và an toàn dữ liệu cá nhân. Đây là bước tiến quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho người dân, vừa phục vụ có hiệu quả yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội.
Luật Căn cước có một số điểm mới như: Chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước và bỏ thông tin quê quán, vân tay trên thẻ căn cước; sẽ khai tử chứng minh nhân dân từ 01/01/2025; cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024; bổ sung giấy chứng nhận căn cước; từ ngày 01/7/2024, công dân sẽ có căn cước điện tử; việc người dân đang sử dụng thẻ căn cước công dân thì vẫn tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn sẽ đổi sang mẫu mới…
Theo đó, việc làm Thẻ Căn cước theo mẫu mới mang lại nhiều lợi ích cho người dân như: Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ nhằm thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các dịch vụ và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân; Thẻ Căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân ký kết được sử dụng thẻ Căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ;
Thẻ Căn cước còn được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Thẻ Căn cước được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Vấn đề bảo mật, an toàn thông tin đều được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy ước quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất…
Đối với Dự thảo Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Nghị định 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy; Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, các ý kiến tham gia, góp ý đối với dự thảo luật sẽ góp phần vào việc thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.
Thông qua Hội nghị tuyên truyền giúp cho các đại biểu nắm vững những điểm mới của Luật Căn cước; Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Đồng thời là những tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền Luật Căn cước đến rộng rãi Nhân dân trên địa bàn để nâng cao nhận thức và ứng dụng rộng rãi ứng dụng VNeID trở thành công cụ số thiết thực giải quyết các thủ tục hành chính và phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong Nhân dân về Luật căn cước và các Dự án Luật sửa đổi, từ đó hỗ trợ lực lượng Công an trong quá trình triển khai, thực hiện.