Xuất cảnh trái phép: Cạm bẫy và hệ lụy

Bị lôi cuốn bởi những lời hứa về một tương lai tươi sáng với mức lương lên đến hàng nghìn USD, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ tốt, nhiều người đã sập bẫy các đường dây lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài và bị bán vào các sòng bài, cơ sở lừa đảo tại một số nước. Đến khi phát hiện bị lừa đảo thì mọi chuyện đã muộn. Người lao động bị bóc lột, hành hạ, làm không công, nếu không phục tùng còn bị tra tấn tàn bạo gây thương tích, thậm chí là tử vong. Một số người may mắn trốn thoát trở về với 2 bàn tay trắng.

Sau gần 1 tháng đón hài cốt cậu con trai mới 19 tuổi tử vong khi làm việc tại Campuchia trở về, bà Ngân Thị Hải ở thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long, huyện Như Thanh dường như vẫn chưa tin vào sự thật nghiệt ngã này. Tháng 11/2022, con trai bà là Lô Văn Quy, sinh năm 2004 chỉ báo nói với bố mẹ là đi làm ăn xa nhưng thực chất là nghe lời dụ dỗ, lôi kéo trên mạng để sang Campuchia làm việc. Để rồi chỉ hơn 2 tháng sau gia đình bà nhận được thông tin con trai đã chết. 

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền và Nhân dân, với rất nhiều công sức của các lực lượng chức năng, gia đình bà Hải mới đưa được hài cốt  con trai về nước.

Tiền mất, tật mang, lo lắng, căng thẳng là những gì gia đình ông Đỗ Đức Bắc ở thôn Cung Điền, xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống phải trải qua khi gia đình có con trai bị dụ dỗ rồi bán vào sòng bài tại Campuchia. Trong khi nỗ lực tìm cách liên lạc để đưa con về, gia đình ông Bắc nhận được yêu cầu của một nhóm đối tượng là muốn chuộc con về thì phải chuyển 100 triệu đồng tiền chuộc. 

Vì nôn nóng cứu con, gia đình ông Bắc đã chuyển cho nhóm này 100 triệu đồng. Tuy nhiên, giữa tháng 1/2023, khi con trai trở về, gia đình ông mới vỡ lẽ, con ông về được là do tự chạy trốn chứ không phải nhờ 100 triệu đồng tiền chuộc mà gia đình chuyển. Từ câu chuyện của gia đình mình, ông Đỗ Đức Bắc mong rằng mọi người hãy tỉnh táo trước những lời dụ dỗ lôi kéo để không rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người.

Cũng được các đối tượng trên mạng cho ăn "bánh vẽ" về một công việc tư vấn game trực tuyến với mức lương khủng, điều kiện, môi trường làm việc lý tưởng, tháng 2/2022 anh Lê Phú Trung ở thôn Hải Xuân, xã Hải Long, huyện Như Thanh đã đồng ý sang Lào làm việc. Nhưng sang đến nơi anh mới hay mình bị bán vào làm việc tại cơ sở lừa đảo trá hình do một nhóm người Trung Quốc tổ chức.

May mắn là đến tháng 9/2022, anh Trung đã trốn thoát và trở về quê với hai bàn tay trắng sau 7 tháng bị lừa bán sang Lào. Tuy nhiên số người may mắn trốn thoát để trở về như anh Trung không nhiều vì theo anh cho biết, tại cơ sở anh làm việc có rất nhiều người Việt Nam vẫn còn mắc kẹt lại.

Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có 2.681 người cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài, trong đó có 222 người tại Campuchia. Điểm chung của những người bị lôi kéo xuất cảnh trái phép đi làm việc tại Campuchia và Lào là đều bị các đối tượng tiếp cận trên không gian mạng, đưa ra những điều kiện lý tưởng để lôi kéo. Sau khi đưa người qua biên giới, người lao động sẽ bị bán vào các sòng bài hoặc cơ sở phi pháp trá hình. Những người xuất cảnh trái phép thường giấu kín việc làm của mình kể cả với người thân nên công tác nắm tình hình của các cơ quan chức năng gặp nhiều nhiều khó khăn.

Hệ lụy của việc xuất cảnh trái phép là khôn lường. Tiền mất, tật mang, thậm chí nhiều người đã phải đánh đổi bằng cả sinh mạng chỉ vì những lời hứa của những người không hề quen biết.

Tác giả: BBT
Nguồn: Truyền hình Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu