“Chặn phát sinh, giảm tồn đọng” đối với tội phạm truy nã

Đó là chỉ đạo của đồng chí Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa tại Hội nghị giao ban “Đánh giá thực trạng và giải pháp thực hiện công tác truy nã tội phạm” được Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức vào ngày 8/7/2022. 

Theo báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hóa, trong những năm qua, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chủ động, kịp thời tham mưu và tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp kiềm chế việc phát sinh đối tượng truy nã; nâng cao hiệu quả xác minh truy bắt, vận động, thanh loại đối tượng truy nã; tập trung truy bắt số đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, trốn lâu năm. 

Toàn cảnh hội nghị giao ban

Tính từ ngày 15/12/2019 đến nay, các đơn vị Công an trong tỉnh đã tổ chức xác minh truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại 359 đối tượng do Công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định truy nã. Trong đó, bắt 195 đối tượng, vận động đầu thú 159 đối tượng, thanh loại 5 đối tượng; có 81 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, hàng chục đối tượng trốn lâu năm…

Mặc dù, tỉ lệ đối tượng truy nã phát sinh trên tổng số các đối tượng đã bị khởi tố bị can giảm; số đối tượng truy nã bị bắt, vận động đầu thú, thanh loại tăng, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều tồn tại cần khắc phục, số đối tượng còn tồn đọng vẫn còn gần 200 đối tượng.

Tại hội nghị, đồng chí Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đánh giá cao những cố gắng, nổ lực và kết quả trong công tác truy nã tội phạm mà Công an các đơn vị, địa phương đã đạt được. 

Từ tháng 12/2019 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt, vận động đầu thú, thanh loại 359 đối tượng truy nã

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cần khắc phục, đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, nắm thật chắc những văn bản, hướng dẫn trong công tác nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác truy nã tội phạm. 

Nâng cao trách nhiệm của lực lượng chức năng, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, triển khai tốt các biện pháp nghiệp vụ để “Chặn phát sinh, giảm tồn đọng” đối với tội phạm truy nã. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các đơn vị cần tập trung làm tốt công tác quản lý, phòng ngừa, không để phát sinh tội phạm truy nã; đối với những đối tượng còn tồn đọng (các đối tượng đang bị truy nã) cần phân loại, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại một cách triệt để…

Tác giả: Đình Hợp
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu