Xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật: Những hệ lụy và bài học cảnh giác
Ngày đăng: 26/06/2022 - 08:21
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 381 công dân xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật. Trong đó các lực lượng chức năng đã phối hợp đưa 179 công dân về nước (giải cứu 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, casino, game online; 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc về…)
Bài 1: Tan giấc mơ đổi đời bên Campuchia
May mắn được trở về nước sau nhiều tháng làm việc tại một casino ở Campuchia, em T.T.D (sinh năm 2003), ở khu phố Khang Phú, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn vẫn còn sợ hãi mỗi khi nhớ lại quãng thời gian bên Campuchia.
D. cho biết: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trước đây tôi cũng có thời gian theo người thân vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, nhưng vì thấy có nhiều rủi ro nên tôi không đi nữa mà ở nhà tìm việc làm. Trong thời gian ở nhà, qua mạng xã hội, một người bạn cũ ở Nam Định rủ tôi sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao mà không cần giấy tờ, không cần tiền, mọi chi phí sang Campuchia đều có người lo hết. Là thanh niên sức dài vai rộng, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nên đắn đo mãi D. cũng gật đầu đồng ý.
Ngày 14/1 âm lịch năm 2022, D. cùng một người bạn vào TP.Hồ Chí Minh gặp một người đàn ông và được người này đưa lên cửa khẩu Long Bình vượt biên sang Campuchia đưa vào sòng bạc ngay cạnh cửa khẩu. Bước qua cánh cửa sòng bạc cũng là lúc D. không liên lạc được với người đàn ông đi cùng nữa và được chủ thông báo là mình đã bị bán với số tiền 2.700 USD.
Biết bị lừa, nhưng thân cô thế cô nơi đất khách quê người, D. đành chấp nhận làm việc với hi vọng có tiền để tìm cách về nước. Không ai lường trước được chữ ngờ, sau 3 tháng làm công việc bưng bê nước, phục vụ khách ở casino thì nhận được thông báo đã bị bán tiếp cho một công ty khác với giá 4.600 USD. Tại công ty mới, D. được phát cho máy tính, điện thoại để tư vấn những nội dung được các đối tượng lập trình sẵn cho khách đánh bạc qua mạng.
“Mỗi ngày tôi phải làm việc 14-15 tiếng, liên tục bị bảo vệ cầm súng kiểm tra, đe dọa nếu lơ là. Mọi sinh hoạt đều khép kín trong khuôn viên của công ty, không ai được phép bước chân ra ngoài. Trong khoảng thời gian làm việc ở đây, tôi không nhận được một đồng lương nào. Lí do đưa ra là trừ vào chi phí sinh hoạt và tiền môi giới sang Campuchia. Quá sợ hãi, tôi và người bạn xin nghỉ việc thì được chủ công ty nói phải nộp tiền chuộc với số tiền 140 triệu đồng/người, nếu không thì sẽ bị bán tiếp sang công ty khác. Không còn cách nào khác, tôi phải gọi điện về nhà cầu cứu gia đình để gửi tiền sang đưa cho các đối tượng để được trở về quê” – D. cho biết.
Ngồi cạnh con, chị Trần Thị Chung rơm rớm nước mắt cho biết: Khi cháu nói sang Campuchia làm việc, vợ chồng tôi đã phản đối. Nhưng nghĩ mọi việc cũng bình thường nên gia đình tôi cũng chiều theo nguyện vọng của cháu. Không ngờ sang bên đó cháu lại bị lừa bán và đối mặt với nguy hiểm như thế. Đến hôm con gọi về thông báo tình hình công việc bên Campuchia và cầu cứu bố mẹ gửi tiền sang chuộc thì chúng tôi rất lo lắng. Vợ chồng tôi đã chạy vạy khắp nơi vay mượn, cắm cả sổ đỏ căn nhà đang ở gom góp được 140 triệu đồng gửi sang chuộc con về.
Rời nhà em T.T.D, 11 giờ trưa ngày 13/6, theo chân cán bộ Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa và Công an huyện Quảng Xương, chúng tôi đến gia đình ông Trần Văn Trung ở thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương. Đây là gia đình có con sang Campuchia làm việc, bị đánh đập dẫn đến tử vong. Dưới cái nắng gay gắt ngày hè, ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông đã xuống cấp càng trở nên vắng lặng, đìu hiu hơn. Nhiều ngày qua, ông Trung cũng như những người thân trong gia đình ai cũng đứng ngồi không yên không biết bằng cách nào để đưa thi thể con từ Campuchia về nước.
Ông Trung nghẹn ngào cho biết, đầu năm 2022 con trai ông là Trần Văn Hiếu (sinh năm 2022) xin phép bố mẹ đi làm ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong thời gian làm việc ở đây, Hiếu được một người bạn giới thiệu sang Campuchia làm việc, thu nhập cao hơn. Ngày con đi có gọi điện về nhà nói sang Campuchia làm việc, còn làm việc gì thì không nói, sau đó mất liên lạc. Gia đình cũng rất lo lắng tìm mọi cách để liên lạc với con nhưng không được. Nghĩ con sang đấy làm việc, có bạn có bè chắc không có gì bất chắc. Ai ngờ một thời gian sau, có người gọi điện về cho gia đình và nói muốn đưa Hiếu về nước thì phải nộp tiền chuộc cho công ty bên Campuchia 76 triệu đồng.
Nhận được tin đó, gia đình đã dự liệu có việc chẳng lành nhưng không thể nào liên lạc được với con để tìm hiểu thêm sự tình. Đang không biết làm thế nào thì ngày 24/5/2022, một người khác lại gọi về nói con bị đánh đập tra tấn dẫn đến tử vong. Muốn nhận được xác con về thì phải thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia can thiệp.
Nhận được tin con trai đã mất, ông Trung thất thần, buồn bã tìm mọi cách để nhờ anh em, bạn bè bên Campuchia đến nơi làm của con để dò hỏi tin tức nhưng không thể tiếp cận được. Ở đây họ bảo vệ rất nghiêm ngặt, chỉ giao tiếp qua một ô cửa nhỏ, luôn có bảo vệ cầm súng đe dọa những người chống đối, gây sự. Tôi chỉ mong có một phép màu là con vẫn còn sống và nếu con thực sự đã chết thì mong cơ quan chức năng giúp đỡ để đưa thi thể con về quê an táng.
Trường hợp của em T.T.D và Trần Văn Hiếu chỉ là 2 trong số hàng trăm trường hợp khác ở tỉnh Thanh Hóa khi xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép và nhận được kết cục đáng buồn.
Theo Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa: Trong số 19 nạn nhân ở tỉnh Thanh Hóa vừa được lực lượng chức năng giải cứu, trao trả về nước, đa số các nạn nhân đều bị các đối tượng có mối quan hệ quen biết, thông qua mạng xã hội rủ rê, lôi kéo sang Campuchia làm việc với những lời mời chào hấp dẫn. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm tới đều là những thanh niên trẻ, khỏe, không có việc làm ổn định, ham chơi, biết sử dụng sơ bộ về máy tính… Để nạn nhân dễ dàng sập bẫy, các đối tượng môi giới ban đầu thường tổ chức cho các nạn nhân sang từ trước ăn chơi, làm việc trong những nơi sang trọng, điều kiện làm việc tốt để chụp ảnh, quay phim gửi cho những con mồi và “vẽ” ra viễn cảnh công việc bên Campuchia nhẹ nhàng (làm việc trên máy tính, điện thoại) với mức lương từ 700 đến 1.000 USD/1 tháng và công ty sẽ chi trả toàn bộ chi phí xuất cảnh.
Mỗi khi có người đồng ý, chúng tiếp tục đề nghị họ tìm kiếm, giới thiệu thêm bạn bè, người thân đi cùng với lập luận “để tiện chuyến xe công ty đưa đi, hạn chế thời gian chờ đợi lâu của người lao động”. Để tiếp tục củng cố niềm tin cho bị hại, các đối tượng môi giới còn chủ động mua vé máy bay và gửi cho nạn nhân một số tiền nhất định để phục vụ chi phí đi lại và ấn định thời gian để thuận tiện cho chúng tổ chức đưa người xuất cảnh ở biên giới phía Tây Nam sang Campuchia.
Với những thủ đoạn trên, nhiều thanh niên đã dễ dàng tin rằng mình sẽ kiếm được một công việc nhẹ nhàng, lương cao bên đất Campuchia. Nhiều người đã tìm mọi cách để được sang Campuchia làm việc với giấc mơ đổi đời mà không lường được hậu quả đang chờ họ phía trước.