Quốc hội phê chuẩn EVFTA và EVIPA với số phiếu gần như tuyệt đối

Với gần như tuyệt đối đại biểu nhất trí, sáng 8.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA tại phiên họp đầu tiên có đủ cả đại biểu T.Ư và địa phương của kỳ họp này.


Tỷ lệ đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua EVIPA

 

Cụ thể, có 457/457 đại biểu có mặt nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và 461/462 đại biểu có mặt nhất trí thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).

Trước đó, thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn 2 hiệp định này hôm 20.5, hầu hết ý kiến các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ tán thành việc Quốc hội phê chuẩn EVFTA và EVIPA tại kỳ họp thứ 9 này.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc phê chuẩn EVFTA là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời, đánh giá hiệp định có chuẩn mực cao nhất, hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất, với 27 quốc gia thành viên của EU, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.


Tỷ lệ đại biểu thông qua Hiệp định EVFTA

 

Việc phê chuẩn EVFTA và EVIPA, theo các đại biểu, sẽ đem lại cho nước ta nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc.

Đồng thời, doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có điều kiện mua máy móc, thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao như nhóm hàng hóa mỹ phẩm được người Việt Nam ưa chuộng với giá cả thấp hơn.

Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc phê chuẩn EVFTA thúc đẩy nước ta tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội rà soát, tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn.

Riêng với hiệp định EVIPA, đại biểu Quốc hội cho rằng việc phê chuẩn sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng trong những năm qua Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỉ USD, nhưng khu vực châu Âu chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỉ USD; việc phê chuẩn hiệp định giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước châu Âu.

Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng phân tích những khó khăn, thách thức và đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực.

Các ý kiến đại biểu Quốc hội cũng nhất trí nội dung của EVIPA không trái với Hiến pháp và cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, tán thành ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo hiệp định.

Các vị đại biểu Quốc hội có 6 khuyến nghị lớn khi phê chuẩn EVFTA, gồm:

Một là, Chính phủ sớm ban hành chiến lược, kế hoạch chi tiết để triển khai hiệp định. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Hai là, các bộ, ngành liên quan phối hợp lãnh đạo các địa phương chọn lựa, xác định danh mục ngành hàng, các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam sớm tham gia vững chắc thị trường rộng lớn này. Trước mắt, có biện pháp giữ, duy trì thị phần thị trường các nước liên minh châu Âu trong điều kiện đại dịch Covid-19. Đồng thời, tận dụng tốt thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.

Ba là, có chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, chính sách thúc đẩy chương trình phát triển vững chắc doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là sử dụng gói hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực hội nhập và quản trị hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bốn là, xây dựng chương trình tăng khả năng đối phó hiệu quả, hạn chế rủi ro thấp nhất với những diễn biến phát sinh phi truyền thống. Nghiên cứu luật pháp nước sở tại để hạn chế vi phạm trong hoạt động thương mại.

Năm là, cung cấp đầy đủ, kịp thời bộ tài liệu hiệp định, các tài liệu hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền. Các tài liệu hướng dẫn hiệp định cần thể hiện bằng ngôn ngữ phù hợp để dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ nhớ.

Sáu là, tổ chức bộ máy, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan liên quan ở T.Ư địa phương nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện; thường xuyên tổ chức rà soát và kiểm tra công tác triển khai thực hiện hiệp định trên thực tế.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã "xin trân trọng tiếp thu toàn bộ ý kiến khuyến nghị đầy tâm huyết, rất xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội".

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/quoc-hoi-phe-chuan-evfta-va-evipa-voi-so-phieu-gan-nhu-tuyet-doi-1234955.html
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu