A- A A+ |

Thầm lặng góp chiến công

Không trực tiếp đấu tranh với tội phạm, nhưng trong mỗi chuyên án, vụ án được điều tra làm rõ đều có dấu ấn quan trọng và những đóng góp thầm lặng của những nữ chiến sỹ Phòng Kỹ thuật hình sự…

Với tổng số 16 cán bộ nữ hiện đang công tác ở 3 đội nghiệp vụ gồm: Khám nghiệm hiện trường, Giám định và Kỹ thuật phòng chống tội phạm, những năm qua cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, những nữ cán bộ chiến sỹ của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Thanh Hoá đã không ngừng học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Có án là lên đường 

Do tính chất, đặc thù công việc, bất kể đêm hay ngày, vào những đêm đông giá rét hay những ngày nghỉ, lễ tết đang sum họp, quây quần bên gia đình, hễ có “án” xảy ra là những nữ cán bộ chiến sỹ của phòng Kỹ thuật hình sự lại gác lại những niềm vui riêng để nhanh chóng có mặt cùng với các đồng đội nam lên đường làm nhiệm vụ. Đó có thể là chuyến đi ngay trên địa bàn thành phố, nhưng cũng có thể là cả một chặng đường dài hàng trăm cây số để đến hiện trường nơi xảy ra vụ án, “xuyên đêm” khám nghiệm hiện trường, thu thập các tài liệu, chứng cứ mà kẻ thủ ác đã để lại. Dù xa hay gần, thuận lợi hay vất vả thì những người lính kỹ thuật hình sự cũng đều luôn tập trung và dồn hết tâm huyết, trí tuệ cho công việc, với mong muốn duy nhất là tìm cho được những dấu vết, tài liệu, vật chứng dù là nhỏ nhất và buộc những vật chứng tưởng chừng như “vô tri vô giác” phải “lên tiếng” để đòi lại công lý cho người bị hại, từ đó giúp Cơ quan điều tra đưa ra những nhận định, phán đoán chính xác, buộc kẻ thủ ác phải cúi đầu nhận tội.

Là nữ cán bộ duy nhất của đội Khám nghiệm hiện trường, Thượng uý Hà Thị Huệ đã có thâm niên 7 năm công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự. Môi trường công tác đặc thù đã tôi luyện cho người nữ cán bộ trẻ bản lĩnh vững vàng, thái độ làm việc rất nghiêm túc và thận trọng, tỉ mỉ. Vừa cùng đồng đội tham gia khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông về, đặt chiếc vali đựng phương tiện nghiệp vụ nặng chịch xuống bàn, Thượng uý Hà Thị Huệ chia sẻ: “Công việc nhìn bề ngoài thì có vẻ đơn giản thế thôi nhưng phải có tình yêu nghề, đam mê với công việc thì mới gắn bó lâu dài được bởi đó là cả một cuộc đấu trí đầy cam go, không chỉ ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của mình mà còn là bảo vệ quyền lợi, sinh mệnh của những người có liên quan”. 

CBCS Phòng Kỹ thuật hình sự lên đường làm nhiệm vụ

Còn nhớ cách đây gần 2 năm, ngày 07/10/2020 tại thôn Đà Sơn, xã Hà Bắc, huyện Hà Trung xảy ra vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang trong quần chúng Nhân dân. Nạn nhân là vợ chồng ông Tống Duy Nghiễn, sinh năm 1950 và bà Cù Thị Kiện, sinh năm 1953. Sau khi nhận được trưng cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh về việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi 2 nạn nhân nói trên, Thượng uý Hà Thị Huệ đã cùng với các đồng đội nhanh chóng lên đường tiếp cận địa bàn, tiến hành bảo vệ hiện trường và bắt tay vào thu thập các dấu vết mà kẻ thủ ác đã để lại. 

Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng kỹ thuật hình sự đã ghi nhận các dấu vết giày của đối tượng để lại có bám dính máu, kèm theo đó là những vết máu nhỏ giọt kéo theo ra bức tường rào. Từ những tài liệu, vật chứng thu thập được tại hiện trường kết hợp với công tác khám nghiệm tử thi, bước đầu nhận định 2 nạn nhân chết sau bữa cơm tối trên 6 tiếng đồng hồ; đối tượng là người thông thạo địa bàn; giữa đối tượng và 2 nạn nhân có sự quen biết và khi bị phát hiện giữa 2 bên có sự giằng co, chống trả quyết liệt, bởi vậy đối tượng đã ra tay tàn độc để che giấu hành vi phạm tội của mình…

Từ những đánh giá, nhận định đó đã giúp Cơ quan CSĐT nhanh chóng khoanh vùng, rà soát các đối tượng nghi vấn. Chỉ sau một thời gian ngắn đã điều tra, xác minh làm rõ và bắt giữ đối tượng Vũ Tiến Long, sinh năm 1998, ở thôn Đà Sơn, xã Hà Bắc, huyện Hà Trung là thủ phạm đã gây ra vụ án mạng trên.

Giải mã các vụ án mờ

Cũng như Thượng uý Hà Thị Huệ, Đại úy Nguyễn Thị Phương Nga, là “bông hoa” duy nhất của Tổ giám định pháp y thuộc đội Giám định, Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự. Chị chính là một trong những người có nhiều đóng góp trong việc điều tra, làm rõ các vụ án mờ. Công tác tại tổ pháp y, công việc chính của Đại úy Nguyễn Thị Phương Nga đó là trực tiếp tham gia khám nghiệm, giải phẫu tử thi và tiến hành “xét nghiệm vi thể” - một trong những “tiêu chuẩn vàng” để đưa ra đánh giá, kết luận chính xác về nguyên nhân chết của nạn nhân.

Đại úy Nguyễn Thị Phương Nga cùng đồng đội tổ chức “xét nghiệm vi thể”
 

Chia sẻ về chuyện nghề của mình, Đại úy Nguyễn Thị Phương Nga cho biết: “Công việc của chị và CBCS Phòng Kỹ thuật hình sự không chỉ sát cánh cùng Cơ quan điều tra trong hành trình truy tìm thủ phạm gây ra các vụ án mạng mà còn song hành cùng cơ quan điều tra giải tỏa những nghi ngờ, đồn đoán, bức xúc trong dư luận quần chúng Nhân dân khi xảy ra một vụ án”. Để dẫn chứng cho điều đó, chị kể lại: Ngày 22/10/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp nhận và thụ lý điều tra một vụ án xảy ra trên địa bàn huyện Như Xuân. Nạn nhân được xác định là chị L.T.H, sinh năm 1977 ở xã Cát Vân, huyện Như Xuân, chết không rõ nguyên nhân tại nhà riêng. Hiện trường nơi xảy ra vụ án bị xáo trộn, nghi là án mạng, gây tâm lý hoang mang và nghi ngờ trong Nhân dân.

Thời điểm xảy ra vụ việc có nhiều luồng thông tin trái chiều của người dân địa phương “đồn thổi” về cái chết của nạn nhân là do có người sát hại, ảnh hưởng đến quá trình điều tra, khám phá án của cơ quan điều tra. Nhận được trưng cầu giám định khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Đại úy Nguyễn Thị Phương Nga cùng một số CBCS nhanh chóng có mặt tiếp cận hiện trường để tiến hành thu thập các dấu vết tại hiện trường, đồng thời tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân xấu số. 

CBCS Phòng Kỹ thuật hình sự thực hiện công tác giám định hoá pháp

Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự thận trọng, chính xác và khách quan, chúng tôi đã tiến hành giám định, đánh giá toàn bộ các dấu vết bên ngoài và giám định pháp y bên trong đối với nạn nhân. Kết quả xác định nguyên nhân gây ra cái chết của chị L.T.H là do bệnh lý chứ không phải bị sát hại như những nghi ngờ, đồn đoán của người dân địa phương. Qua đó đã giúp cơ quan điều tra sớm kết thúc vụ án và giải tỏa tâm lý nghi ngờ, bức xúc, hoang mang trong Nhân dân. 

Đây chỉ là 2 trong số 16 nữ CBCS Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh. Bởi tính chất và đặc thù công việc nên các chị em vừa phải sắp xếp công việc gia đình, chăm lo con cái, hoàn thành tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ, vừa phải nỗ lực cố gắng hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bằng sự hy sinh và trách nhiệm của mình, các chị luôn thầm lặng sát cánh cùng với các đồng nghiệp nam vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, góp phần “giải mã” những vụ án. Công việc dẫu có vất vả, hiểm nguy nhưng chưa bao giờ ngăn cản được tình yêu nghề và những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của các chị. 

Các nữ CBCS Phòng Kỹ thuật hình sự thực hiện công tác giám định tài liệu
 

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh chia sẻ: “Phòng Kỹ thuật hình sự có 1/3 quân số là nữ và được phân công công tác ở tất cả các đội nghiệp vụ. Là đơn vị hoạt động trên lĩnh vực khoa học hình sự, luôn sát cánh cùng với cơ quan điều tra trong điều tra, khám phá các vụ án bởi vậy mà công việc của các cán bộ chiến sỹ Phòng Kỹ thuật hình sự cũng rất vất vả và nhiều áp lực. Bản thân những đồng chí cán bộ nữ để gắn bó lâu dài được với công việc của đơn vị thì phải là người có bản lĩnh vững vàng, sức khỏe tốt, thực sự đam mê với nghề và phải hy sinh cho công việc thì mới làm được….”.  


Tác giả: Văn Thiện
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu