Những ngày cuối tháng 5/2022, tôi có dịp gặp Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa. Vẫn hào sảng, nhiệt huyết và đậm chất “lính chiến”, anh đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về những ngày “ăn núi, ngủ rừng”, “Ăn bờ, ngủ bụi” để đánh án ma túy. Với cương vị là Trưởng phòng, tuy nhiên anh vẫn luôn trực tiếp có mặt trên nhiều mặt trận để vừa chỉ đạo, vừa cùng cán bộ, chiến sĩ phá án.
Anh cho biết: Tội phạm ma túy thì ở đâu cũng nguy hiểm, nhất khu vực rừng núi, biên giới, nơi heo hút, hiểm trở. Thanh Hóa là tỉnh có đường biên giới đất liền dài trên 200 km, giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào) và các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An nên tội phạm ma túy thường lợi dụng địa hiểm trở, giáp biên giới để mua bán, vận chuyển ma túy vào nội địa tiêu thụ. Để phá được một chuyên án ma túy, có khi cả tháng các trinh sát phải ăn, ngủ trong rừng, trong hang núi để theo dõi, nắm bắt mọi di biến động của các đối tượng.
Vừa nói anh vừa dẫn chứng bằng một chuyên án mà đơn vị vừa triệt phá ngày 11/5/2021. Cầm đầu đường dây này là đối tượng Hoàng Ngọc Toàn (sinh năm 1990) ở xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân. Đây là đối tượng tuy còn trẻ nhưng rất manh động và liều lĩnh, đã có tới 3 tiền án về tội “Cướp tài sản”, “Trộm cắp tài sản” và “Mua bán trái phép chất ma túy”. Sau khi ra tù, Toàn đã câu kết với nhiều đối tượng cộm cán khác hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn từ Lào về Thanh Hóa tiêu thụ.
Để đấu tranh, triệt phá đường dây này, một Ban chuyên án gồm những cán bộ “thiện chiến” và dày dạn kinh nghiệm đã được thành lập. Để dựng được toàn bộ đường dây, đối tượng, quá trình hoạt động của các đối tượng, 3 mũi trinh sát đã được tung vào các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các huyện biên giới phía Tây để thu thập chứng cứ, tài liệu. Sau nhiều ngày lăn lộn tại các địa bàn, toàn bộ đường dây đã được dựng lên. Theo đó Hoàng Ngọc Toàn là đối tượng cầm đầu câu kết với một số đối tượng hình sự cộm cán ở thị xã Bỉm Sơn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) và một số đối tượng ở Đà Nẵng để vận chuyển ma túy từ khu vực biên giới Việt Nam - Lào vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Đà Nẵng tiêu thụ.
Sau khi dựng được đường dây và phương thức hoạt động của các đối tượng, một phương án đánh bắt chi tiết, cẩn thận đã được vạch ra. Trực tiếp Thượng tá Lê Khắc Minh dẫn theo 10 cán bộ, chiến sĩ đã lập tức lên đường đi Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước để phá án. Tất cả các thành viên trong đoàn trước khi lên đường đều mang theo đồ ăn sẵn như lương khô, mì tôm, bánh mì và nước uống trong nhiều ngày để sẵn sàng cắm chốt tại vị trí được phân công.
Sau nhiều ngày ăn bờ, ngủ bụi, cuối cùng thời khắc phá án cũng đã đến. Khoảng nửa đêm ngày 10/5, tại khu vực G9, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát xuất hiện 4 đối tượng đi trên một xe taxi. Mọi di biến động của nhóm đối tượng này đều nằm trong tầm ngắm của các trinh sát. Khi đến cầu G9, một đối tượng được phân công ở lại cùng với lái xe taxi để cảnh giới, riêng Hoàng Ngọc Toàn và một đối tượng khác cầm súng men theo đường rừng đến khu vực sát biên giới Việt Nam - Lào.
Lúc đó đã hơn 2 giờ sáng, tôi cùng một số anh em ém quân, đón lõng các đối tượng tại một khu vực rừng luồng trên địa bàn huyện Bá Thước. Để bảo đảm thành công cho Chuyên án, tôi chỉ đạo các trinh sát không được hành động để tránh “bứt dây động rừng”. Còn mình trực tiếp chỉ đạo một tổ công tác phối hợp với Công an huyện Bá Thước triển khai phương án để “cất vó” tóm gọn cả nhóm - Thượng tá Minh cho biết.
Khoảng 5 giờ sáng ngày 11/5/2021, không gian tĩnh mịch ở vùng sơn cước bỗng bị xé toạc bởi tiếng động cơ xe lao vun vút trên đường. Một tổ công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Bá Thước đã nhanh chóng ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra hành chính nhưng các đối tượng không chấp hành, bất ngờ tăng ga lao thẳng vào tổ công tác. Trước sự côn đồ và manh động của các đối tượng, tổ công tác đã bình tĩnh triển khai đội hình truy bắt. Biết không thể thoát thân, Hoàng Ngọc Toàn chỉ đạo đàn em vứt túi ma túy ra khỏi xe, bản thân Toàn cũng rút súng trong người vứt ra ven đường để tẩu tán.
Truy đuổi đến khu vực xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tổ công tác đã khống chế được cả 4 đối tượng gồm Hoàng Ngọc Toàn, Trịnh Văn Huy (sinh năm 1996), ở Thọ Xuân; Phạm Trung Kiên (sinh năm 2001), ở thị xã Bỉm Sơn cùng lái xe, thu giữ tang vật gồm 10 túi ma túy đá (trọng lượng gần 10kg), 7 điện thoại di động, gần 600 triệu đồng tiền mặt, 1 khẩu súng quân dụng bên trong có 5 viên đạn và nhiều tang vật khác có liên quan
Ngay sau khi bắt giữ các đối tượng, Ban chuyên án lập tức chỉ đạo các tổ công tác khác khẩn trương khám xét nơi ở của các đối tượng, qua đó đã thu giữ thêm 497,6g methamphetamine, 455,621g ketamin, 1 quả lựu đạn, 2 khẩu súng quân dụng và 50 viên đạn các loại cùng nhiều tang vật khác. Thành công của chuyên án là cả một quá trình đấu trí, đấu lực căng thẳng, trong đó sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc, sự quyết liệt, nhạy bén, không quản khó khăn, hiểm nguy của cán bộ, chiến sĩ là những nhân tố làm nên thắng lợi của Chuyên án - Thượng tá Minh cho biết thêm.
Vừa trở về sau chuyến “thị sát” dài ngày ở các huyện biên giới, Thượng tá Lê Đình Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng chia sẻ: Những vụ án ma túy do đơn vị khám phá là cả quá trình cán bộ, chiến sĩ phải “nếm mật nằm gai”, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm hay vùng rừng núi xa xôi, để thu thập tài liệu, chứng cứ. Như Chuyên án 518C triệt phá vào 21/5/2018 là một ví dụ. Trong chuyên án này, chúng tôi đã rất dày công mới bắt quả tang Hạ Bá Chò (sinh năm 1993), ở xã Tây Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An và Hoàng Văn Xuân (sinh năm 1987), ở xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đang vận chuyển 60 bánh heroin từ khu vực biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Để bắt được các đối tượng này, vất vả nhất là các trinh sát phải đi lại rất nhiều nơi, cả ngày lẫn đêm. Nhiều trinh sát ròng rã cả tháng trời, lúc thì “ăn bờ, nằm bụi” tại khu vực các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An, khi thì lang thang dọc tuyến theo dấu các đối tượng di chuyển. Mọi di biến động, từ các mối quan hệ đối tượng tiếp xúc, nơi ăn nghỉ, dừng chân, phương tiện các đối tượng sử dụng, thậm chí đến sinh hoạt cá nhân của các đối tượng… đều được các trinh sát ghi nhận báo cáo về Ban chuyên án.
Đó chỉ là 2 vụ trong khoảng 600 vụ, 700 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy mỗi năm mà lực lượng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa đã đấu tranh triệt phá. Đa số các đường dây ma túy lớn thường có các đối tượng là người Việt Nam móc nối, liên kết với các đối tượng bên Lào để mua bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới. Sau đó, các đối tượng này sử dụng ô tô, xe máy, xe khách, thậm chí qua đường sông... để vận chuyển vào địa bàn tỉnh, hoặc trung chuyển sang các tỉnh khác để tiêu thụ. Những đường dây này được tổ chức hết sức chặt chẽ, có sự phân công, phân vai rõ ràng, tạo thành đường dây khép kín. Các đối tượng cũng rất manh động và liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng như súng, lựu đạn, hung khí nguy hiểm để chống trả lực lượng truy bắt; nhiều đối tượng nhiễm HIV khi bị bắt đã cố tình cắn xé, cào cấu gây thương tích cho CBCS. Đáng chú ý, gần đây các đối tượng còn sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại như flycam để theo dõi, bố trí địa điểm chúng dự định sẽ tiến hành phạm tội.
Vẫn biết rằng để có được thành tích, chiến công thì phải luôn cố gắng, nỗ lực, phải đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí đổ máu. Nhưng khi được nghe những người lính ma túy kể về việc phá án mới biết rằng, phía sau những chiến công là biết bao sự hy sinh thầm lặng không thể nói hết bằng lời. Bởi những câu chuyện được kể ra mới chỉ là một phần rất nhỏ trong cả một chặng đường dài đầy gian nan, vất vả mà hàng ngày, hàng giờ, cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận này đang phải đối mặt để góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân./.