Sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự năm 2023
Ngày đăng: 01/04/2024 - 10:30
Chiều 29/3/2024, tại Công an tỉnh Thanh Hóa, 3 ngành Tư pháp cấp tỉnh Thanh Hóa gồm: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự năm 2023. Các đồng chí: Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh; Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Nguyễn Thị Nga, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh đồng chủ trì Hội nghị....
Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự năm 2023 khẳng định. Trong năm qua, số lượng các loại vụ án thụ lý, giải quyết tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với tính chất ngày càng phức tạp, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của lãnh đạo 3 ngành, sự chủ động tích cực phối hợp và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ Điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán ở cấp tỉnh và cấp huyện trong công tác điều tra, tuy tố, xét xử nên tỷ lệ giải quyết một số loại án đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, không có án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan.
Chất lượng hoạt động điều tra, tuy tố, xét xử tội phạm, thi hành án hình sự tiếp tục được nâng cao, bảo đảm tính chính xác, đúng pháp luật, không có trường hợp nào xét xử oan, bỏ lọt tội phạm. Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo được các ngành tư pháp hai cấp tiến hành rất nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, trong đó tỷ lệ giải quyết đúng thời hạn 100%. Công tác xét chọn giải quyết án điểm của ba ngành được thực hiện đúng quy trình, quy định, mang lại hiệu quả cao, phụ vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị ở địa phương, có tác dụng tuyên truyền pháp luật; phòng ngừa, răn đe làm giảm tội phạm.
Quá trình xét xử các vụ án, các Tòa án đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng xét hỏi và tranh tụng tại tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, bảo đảm cho người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của bị cáo; xem xét thận trọng, khách quan, toàn diện các chứng cứ để ra những bản án quyết định đúng pháp luật.Ba ngành cũng thường xuyên quan tâm phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong công tác thi hành án hình sự, nhất là đối với việc tổ chức, thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Rà soát danh sách các bị án và đưa ra các biện pháp thi hành kịp thời có hiệu quả, đúng pháp luật; kịp thời chấn chỉnh những sai sót, hạn chế trong khi quyết định các trường hợp cho hoãn, tạm đình chỉ thi hành án và giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Tại Hội nghị, đại biểu 3 ngành tư pháp đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được, đồng thời phân tích chỉ rõ những khó khăn, tồn tại và hạn chế trong công tác phối hợp giữ các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực điều tra truy tố, xét xử các vụ án...Trên cơ sở đó đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp tích cục nhằm tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành giữa Công an, Viện kiểm sát, tòa án nhân dân tỉnh trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc- Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh và ông Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đánh giá cao những kết quả đạt được, nhất là những chuyển biến tích cực mà ba ngành đã đạt được trong năm 2023. Việc phối hợp giữa 3 ngành trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự là cần thiết và quan trọng để đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả và nghiêm minh.
Hiện nay, tội phạm ngày càng manh động và tinh vi với nhiều phương thức thủ đoạn hoạt động mới, đặc biệt là tội phạm lừa đảo, tội phạm ma túy, tội phạm trên không gian mạng... chính vì vậy, năm trong 2024 ba ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả, có trách nhiệm trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp; thường xuyên trao đổi thông tin, đánh giá kết quả để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, không né tránh, cương quyết giải quyết các vụ án tồn đọng, tập trung giải quyết những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, giao chỉ tiêu và gắn trách nhiệm cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đối với việc điều tra, truy tố, xét xử giải quyết các vụ án; lấy kết quả việc thực hiện chỉ tiêu là một trong những căn cứ để xếp loại cán bộ, phân loại thi đua. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự, đẩy mạnh công tác xác minh truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, đồng thời chủ động làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm đối với một số tội phạm như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản...để hạn chế phát sinh các vụ án, góp phần giữ vững sự ổn định về ANTT trên địa bàn tỉnh./.