A- A A+ |

Những chiến sỹ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hết mình vì nhân dân phục vụ

Vụ cháy tòa nhà dầu khí nằm trên đại lộ Lê Lợi (TP.Thanh Hóa) xảy ra tối 16/1 đã khiến 15 người nhập viện, trong đó có 2 người chết và 3 cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh bị thương, gồm: Trung úy Vũ Việt Dũng; Trung sỹ Dương Văn Nam và Binh nhất Tống Văn Đông...

 

Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung Giám đốc Công an tỉnh thăm, động viên, 
tặng quà các CBCS bị thương khi làm nhiệm vụ

 

Sau 6 ngày nằm viện điều trị tích cực, hiện nay tình hình sức khoẻ của các nạn nhân vụ cháy cũng như 3 chiến sỹ Cảnh sát PCCC đã được hồi phục ổn định và chuẩn bị được ra viện.

 

Đang nằm điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Binh nhất Tống Văn Đông cho biết anh chưa thấy vụ cháy nào lại kinh khủng như vậy. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC triển khai lực lượng đến nơi thì lửa và khói đã bao trùm cả tòa nhà. "Lúc đó, tôi và Trung sỹ Nam đeo bình dưỡng khí, mặt nạ tiến vào phía trong tòa nhà, mùi khói khét lẹt mù mịt khắp các lối đi. Đến tầng 8, phát hiện một phụ nữ đang mắc kẹt, khó thở, tôi cởi bình dưỡng khí, mặt nạ nhường nạn nhân rồi hướng dẫn đi xuống dưới. Xuống đến tầng 7, ngạt khí tôi xỉu đi, tỉnh dậy đã nằm trong bệnh viện", anh Đông kể lại.

 

      Binh nhất Tống Văn Đông, Phòng cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa  

 

Trong khi đó, Trung úy Vũ Việt Dũng cho biết: Khi lên đến tầng 7 thì phát hiện hai đồng chí Nam và Đông đang bị mắc kẹt nên đã nhanh chóng đưa ra ngoài. Sau đó, do anh Dũng chạy lên xuống các tầng kiểm tra nhiều nên bị sốc nhiệt. “Tôi được giao nhiệm vụ đi xe thang cứu hộ, khi triển khai thang, tôi cùng một số đồng chí đi cửa sau để phá khóa cửa sau tòa nhà để cứu hộ, chúng tôi tổ chức cứu người bị nạn theo 2 phía trước và sau. Khi đang làm công tác cứu hộ thì chúng tôi biết đồng chí Dương Văn Nam và đồng chí Tống Văn Đông có nhường mặt nạ chống độc cho nạn nhân nên bị ngạt khí và kẹt cùng nạn nhân tại tầng 8 tòa nhà, chúng tôi đã triển khai cứu hai đồng chí và các nạn nhân xuống. Bản thân tôi, do cũng bị ngạt khí, sốc nhiệt và đuối sức nên cũng phải nhập viện cấp cứu”.

Trung úy Vũ Việt Dũng, Phòng cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa

Đối với Trung sỹ Dương Văn Nam, đây không phải là lần đầu tiên anh phải nhập viện sau khi làm nhiệm vụ. Cách đây hơn 1 năm, trong khi đang khống chế đám cháy tại một doanh nghiệp ở xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, anh cũng bị nhiễm khói độc phải vào viện điều trị. Tuy nhiên, so với đám chay tại tòa nhà dầu khí thì công tác chữa cháy gặp khó khan hơn nhiều vì tòa nhà làm toàn bằng kính.

Trung sỹ Dương Văn Nam cho biết: Suốt 3 năm công tác trong ngành, anh chưa từng gặp đám cháy nào dữ dội và nguy cấp như vậy. “Chưa bao giờ tôi thấy đám cháy nguy hiểm như lần này bởi rất nhiều nạn nhân mắc kẹt và kết cấu tòa nhà có nhiều lớp kính nên khó tiếp cận”. Nam kể: khoảng 18h30’ ngày 16/1 nhận lệnh cùng đồng đội đi chữa cháy ở tòa nhà dầu khí Thanh Hóa. Khi đến nơi, khỏi lửa bốc lên nghi ngút. Lúc này, có nhiều người đang mắc kẹt bên trong. Chỉ huy phân nhóm thành nhiều tổ, trong đó nhóm của Nam được giao nhiệm vụ vào sau tòa nhà tìm cách tiếp cận nạn nhân.

Trung sỹ Dương Văn Nam, Phòng cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa

Lên được tầng 4, Nam tìm thấy một người đàn ông. Anh liền động viên, trấn tĩnh nạn nhân và đưa người này xuống an toàn. Liền sau đó, anh leo cầu thang bộ lên phía trên để tiếp tục nhiệm vụ. Tại tầng 9, anh nhìn thấy một phụ nữ kiệt sức dưới nền nhà. Không còn cách nào khác, anh đã nhường mặt nạ chống độc cho cô gái và dìu nạn nhân đi tiếp.

“Tuy nhiên, khói lúc đó lại dày đặc. Tôi phải dìu cô ấy vào nhà vệ sinh để tránh khói và xả nước để mong có thêm không khí. Nhưng lửa quá to nên chúng tôi bị ngạt khí. Rất may, chúng tôi được các đồng nghiệp phát hiện, ứng cứu kịp thời”

Đến thăm con trai, bà Hoàng Thị Hồng, mẹ Trung sỹ Dương Văn Nam nghẹn ngào, bà xúc động về tình đồng đội, đồng chí và tự hào về hành động dũng cảm xả thân cứu người bị nạn của con trai mình. Bà cho biết: “Vào thời điểm con tôi nguy kịch, khi gia đình chưa biết tin, các đồng chí đồng đội anh em trong đơn vị đã thay mặt gia đình đứng ra hỗ trợ, lo liệu cho cháu. Là một người mẹ, khi nhìn thấy con mình trong tình trạng nguy kịch, thoát chết từ tay tử thần tôi cũng đau lòng nhưng khi thấy con làm nhiệm vụ đã nhường sự sống của mình cho người bị nạn thì tôi cảm thấy rất mãn nguyện và tự hào vì con trai mình có hành động dũng cảm, anh hùng như vậy”.

Thượng tá Đào Đức Qúy, Phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Được sự chỉ đạo của chỉ huy, hai đồng chí đã triển khai lực lượng, phương tiện tổ chức cứu chữa, đồng thời nhận nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn người thoát nạn tại các tầng bị cháy. Với tinh thần trách nhiệm của 1 người chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, hai đồng chí đã tiếp cận khu vực và sử dụng các biên pháp nghiệp vụ để cứu nạn nhân mắc kẹt, hướng dẫn họ thoát nạn, tuy nhiên nạn nhân mắc kẹt tầng cao có nhiều khói khí độc, nhiều nạn nhân bị bất tỉnh, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng, trước tình hinh đó 2 đồng chí đã nhường bình dưỡng khí cứu nạn nhân”.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC-CNCH và Công an tỉnh Thanh Hóa thăm hỏi, 
động viên 3 chiến sĩ bị thương trong lúc cứu người

 

Trước tinh thần sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm, nhường mặt nạ chống độc cho nạn nhân của Trung Sỹ Dương Văn Nam và Binh nhất Tống Văn Đông, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an và Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên sức khỏe 3 đồng chí bị thương đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đồng thời biểu dương tinh thần dũng cảm của các chiến sỹ và khẳng định hành động của các đồng chí là minh chứng sinh động cho hình ảnh người chiến sỹ công an vì dân phục vụ. /.


Tác giả: Minh Phương
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu