Nỗi đau từ những vụ án giết người, cố ý gây thương tích

Hiện nay, tình hình tội phạm giết người, cố ý gây thương tích đang diễn ra rất đáng báo động, chiếm khoảng 30% số vụ phạm pháp hình sự. Đáng lo ngại hơn cả là hầu hết các vụ giết người, cố ý gây thương tích lại xuất phát từ những mâu thuẫn bộc phát, với nguyên nhân rất nhỏ nhặt, đơn giản. Thế nhưng, do nóng giận, không kiềm chế được bản thân, nhiều người đã phạm tội và gây nên những hệ luỵ vô cùng đau lòng.

Đã 9 tháng trôi qua kể từ ngày Trương Văn Tuấn, sinh năm 1983 trú tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc dùng chai xăng ném vào bếp củi, nơi bố, mẹ và cháu gái đang ngồi sưởi. Nguyên nhân chỉ bắt nguồn từ việc ông Trương Văn Đông – bố Tuấn không đồng ý cho Tuấn mượn xe máy. Vụ việc khiến ông Đông bị bỏng nặng ở nhiều vị trí trên cơ thể, tỉ lệ thương tật 33%. Đến nay, Tuấn đã bị bắt về hành vi giết người, những vết bỏng của ông Đông cũng bắt đầu liền da. Thế nhưng, nỗi đau khi bị chính con ruột có hành vi giết mình có lẽ sẽ khó nguôi ngoai.

Bà Bùi Thị Hậu, mẹ của Trương Văn Tuấn cho biết: "Thấy cháy lan ra là chạy cả, không ai việc chi, mỗi mình ông bị là chạy ra cái sân đó là cháy toang lên như đống rơm, sau đó ông ngất luôn. Đúng là con đẻ chứ không phải con nuôi đâu. Bây giờ tôi thấy buồn lắm, nó phải đi thế, bố lại đau, con thì phải tội, không biết ngày đâu mới được về."

1 vụ án giết người khác xảy ra tại chợ đầu mối Đông Hương, thành phố Thanh Hóa vào ngày 5/6 vừa qua cũng gây kinh hoàng cho dư luận xã hội. Trương Văn Tuấn, sinh năm 1992, trú tại phường Nam Ngạn, dùng dao đâm vào anh Mai Văn Sơn, sinh năm 1983, trú tại phường Đông Vệ. Lúc này, anh Sơn đang nằm ngủ trong kiot bán hàng. Bị đâm, anh Sơn vùng dậy kháng cự và tiếp tục bị Tuấn đâm nhiều nhát nên đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Nỗi đau quá lớn đến với gia đình anh Sơn khi anh bị sát hại vào đúng ngày vợ sinh con.

Chị Nguyễn Thị Trang, vợ anh Mai Văn Sơn chia sẻ: "Giết chồng em trong lúc chồng em đang ngủ, đó là 1 tổn thất quá đau với nhà em luôn, lại đúng vào ngày em đi sinh bé, con em 3h sáng sinh thì đêm cùng ngày đó chồng em mất, nó đè đúng lúc chồng em không có sự phòng bị nào để giết chồng em. Giờ để lại hệ luỵ nhà em 3 đứa con thơ, 1 mẹ già, em giờ 1 thân 1 mình phải gánh vác hết tất cả mọi thứ."

Điều tra của cơ quan Công an cho thấy: Nguyên nhân chủ yếu của các vụ giết người, cố ý gây thương tích đều xuất phát từ mâu thuẫn bộc phát trong quan hệ ứng xử hoặc liên quan đến chất kích thích. Nhiều vụ án bắt nguồn từ mâu thuẫn rất nhỏ, nhưng lại gây hậu quả vô cùng đau lòng. Thậm chí chỉ vì một câu nói trái tai, một cái nhìn thiếu thiện cảm mà có người sẵn sàng ra tay tước đoạt mạng sống của người khác. Kết cục người chết hoặc bị thương, kẻ vào tù, gia đình nạn nhân và tội phạm cũng phải gánh chịu những hệ luỵ rất nặng nề.

Thiếu tá Lê Trường Thụ, Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Người mà tác động vào vùng trọng yếu của cơ thể như vùng đầu, bụng thì dù thương tích để lại phần trăm không lớn nhưng vẫn là phạm tội giết người, và cái này thì khung hình phạt rất cao. Cố ý gây thương tích và giết người để lại hệ luỵ rất khó khăn cho gia đình, thứ nhất là có khả năng mất sức khoẻ, không lao động được, thứ 2 những người bị gây thương tích, giết thì hầu như là trụ cột gia đình."

Trung tá Lê Văn Đức, Đội trưởng Đội hướng dẫn điều tra tội phạm về TTXH, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho rằng: "Cơ cấu về tội phạm thì tội phạm đã được trẻ hoá, thanh thiếu niên gây ra các vụ án này là chiếm tỉ lệ đa số. Và đặc biệt nhất là chú ý đến việc như là đi hát ở các quán karaoke, ở các tụ điểm, đám cưới dẫn đến việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma tuý, dẫn đến các vụ xô xát, đánh nhau và cố ý gây thương tích, giết người."

Thực tế trên cho thấy tình hình phạm tội giết người, cố ý gây thương tích đang diễn ra rất đáng báo động. Thế nhưng, hầu hết các vụ án đều xuất phát từ mâu thuẫn bộc phát, nên việc phòng ngừa không hề dễ dàng. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng gây án để tạo tính răn đe, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, đoàn thể để kịp thời phát hiện, giải quyết, hòa giải những mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân. Và quan trọng nhất là mỗi người phải biết tự kiềm chế và tìm cách giải quyết mâu thuẫn phù hợp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra./.

Tác giả: BT
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu