A- A A+ |

MỨC PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI CẦM ĐỒ TÀI SẢN TRỘM CẮP

         

Ảnh minh họa

Trong 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Công an các đơn vị đã kiểm tra trên 870 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tạm giữ trên 660 xe máy, 10 máy tính xách tay, 50 điện thoại… để phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm có liên quan đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; trong đó, đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cầm đồ tài sản trộm cắp. Đối với hành vi vi phạm này, pháp luật hiện nay quy định cụ thể chế tài xử lý như sau:

I. Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ biết rõ là tài sản do trộm cắp mà có nhưng vẫn thực hiện việc cầm đồ thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 323 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” như sau: 

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

II. Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ thực hiện hành vi cầm đồ tài sản trộm cắp (hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có) nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP) và buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ tài sản đó (theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).

Công an tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, mọi hành vi về cầm đồ tài sản trộm cắp sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Khi cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phát hiện thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng trộm cắp, tiêu thụ tài sản trộm cắp thì kịp thời tố giác tội phạm, thông báo cho lực lượng công an để điều tra, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật./.


Tác giả: N.T.H - Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu