Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn cân bằng hệ sinh thái
Hằng năm từ tháng 9 đến tháng 12, gần đến mùa mưa bão là thời điểm các loài chim trời di cư, tìm nơi trú ngụ, sinh sản; đây cũng là thời điểm gia tăng nạn săn, bắt, bẫy những loài chim trời; nơi đặt bẫy chim thường ở những cánh đồng lúa đã được thu hoạch, có thêm những bụi cây lớn, rậm rạp hoặc những vũng nước nông. Tại đây người bẫy chim găm các con cò giả rồi cắm các thanh tre có keo dính ở khắp nơi, từ giữa ruộng, bờ bao cho tới các lùm cây; ngoài ra còn dùng lưới, thiết bị công nghệ phát ra tiếng kêu để dụ bẫy các loại chim trời sập bẫy, dính lưới dẫn tới số lượng chim trời ngày càng giảm, ảnh hưởng đến cân bằng đa dạng hệ sinh thái tự nhiên.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tình trạng săn bắt, bẫy, tận diệt các loài chim hoang dã, di cư trong mùa sinh sản diễn ra nhiều tại một số địa bàn như Nga Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Nghi Sơn, Sầm Sơn….. Để ngăn chặn, xử lý tình trạng trên, từ tháng năm 2023 đến nay, lực lượng Công an Thanh Hoá đã phối hợp với các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra 212 lượt, xử lý 20 đối tượng về hành vi săn bắt, đánh bẫy, buôn bán chim trời trái phép; xử phạt 65.500.000 đồng; thu giữ, tiêu huỷ 36.255 m lưới; 1.108 bẫy sập; 505 bẫy dính; 2.795 con cò giả; 07 bộ loa; 57 lều bạt phục vụ đánh bắt, bẫy chim; trả về tự nhiên 653 cá thể chim. Đồng thời, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở ban hành 17 văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng nhất là UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong bảo vệ các loài chim hoang dã trong mùa di cư; tuyên truyền hơn 2.500 lượt trên hệ thống truyền thanh, 16 lượt tuyên truyền lưu động…
Từ thực trạng trên, Công an tỉnh Thanh Hoá đề nghị và khuyến cáo mọi người dân cần chung tay bảo vệ các loài chim hoang dã di cư cũng chính là bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, tạo cảnh quan, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học; không tham gia săn bắt, giết mổ, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến, kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư. Khi phát hiện hành vi vi phạm, kịp thời báo cho cơ quan chức năng địa phương để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính đến xử lý hình sự./.