Nâng cao cảnh giác khi sử dụng tài khoản ngân hàng

Thời gian gần đây, dù các đơn vị chức năng cũng như các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo về những chiêu trò mạo danh ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, song vẫn có không ít người bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Nhân viên Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Thanh Hóa hướng dẫn khách hàng cách bảo mật tài khoản ngân hàng điện tử trên smartphone.

"Sập bẫy"...

“Ối... mẹ ơi...! Con bị hack nhắn tin messenger rồi. Lúc con đang buồn ngủ, con thấy bạn con nhắn tin hỏi vay 500.000 đồng, con không gọi lại cho bạn mà chuyển tiền vào tài khoản bạn ấy nhắn luôn. Trưa nay, con mới gọi lại thì bạn con nói không vay tiền. Giờ kiểm tra lại mới thấy con bị lừa". Con gái tôi hớt hải gọi điện nói.

Đem câu chuyện kể với các chị đồng nghiệp cùng phòng, thì chị Trần Thị Hoa cho biết chút nữa chị cũng bị “sập bẫy”. Chị Hoa cho biết, do chị bận lo cưới vợ cho con nên khi nhận được cuộc điện thoại xưng là nhân viên tổng đài của VNPT nói số điện thoại của chị sắp bị khóa nên chị đã làm theo hướng dẫn của nhân viên để được hỗ trợ. Họ yêu cầu chị đọc họ và tên, số căn cước công dân để kiểm tra lại. Sau đó, họ còn nói với chị, tra trên hệ thống thấy chị đang có một lỗi vi phạm phạt nguội giao thông trong Đà Nẵng mà chị thì không lái xe vào Đà Nẵng bao giờ. Lúc đó chị mới giật mình rồi tắt liên lạc, đồng thời gọi điện ra ngân hàng để khóa tài khoản.

Còn đối với Lê Hồng Nhung ở TP Thanh Hóa giao dịch qua đăng nhập vào tài khoản SmartBanking trên điện thoại không được, sau đó nhận được một tin nhắn số tài khoản của chị đã bị khóa, ấn vào đường link trong tin nhắn để kiểm tra thì toàn bộ số tiền chị có trong tài khoản đã bị “bốc hơi”.

Tăng cường đấu tranh với tội phạm

Trước những diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, viễn thông, lực lượng công an đã chủ động nắm tình hình, phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm trên.

Điển hình như năm 2022, Công an huyện Như Xuân đã bắt giữ Lê Văn Vỹ, sinh năm (SN) 1995; Lý Hoàng Diệu, SN 2000, cùng ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng và Trương Công Hay, SN 1995; Nguyễn Thế Hiển, SN 1993, cùng ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thu giữ 13 điện thoại di động, 25 sim thẻ, 5 tài khoản ngân hàng, 1 máy tính xách tay và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận thủ đoạn hoạt động của bọn chúng là thiết kế giao diện giả mạo của một số ngân hàng, sau đó các đối tượng giả danh là nhân viên ngân hàng gọi điện để liên lạc, tư vấn cho khách hàng, thông báo tài khoản của họ đang gặp sự cố do lỗi, chuyển nhầm tiền, hoặc bị khóa...

Để khắc phục sự cố này, các đối tượng đã gửi cho chủ tài khoản một đường link giả mạo là website ngân hàng và yêu cầu họ nhập các thông tin tài khoản, mật khẩu, cung cấp mã OTP... Sau đó, các đối tượng đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân của chủ tài khoản rồi chiếm đoạt quyền đăng nhập tài khoản để chuyển tiền từ tài khoản của họ sang tài khoản của các đối tượng để chiếm đoạt. Với thủ đoạn trên, chỉ tính từ năm 2019 đến khi bị bắt, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của nhiều chủ tài khoản trên cả nước với số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bỉm Sơn cũng vừa ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Phú Quốc, SN 2001 ở xã Tân Lập, huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vào cuối tháng 8-2021, bằng thủ đoạn đặt mua quần áo trên mạng, Quốc gửi đường link giả mạo trang website ngân hàng cho anh Nguyễn Tuấn Anh, SN 2004, ở khu phố 6, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn truy cập để nhận tiền đặt cọc, qua đó chiếm đoạt tài khoản Internet Banking và rút hết số tiền 398 triệu đồng đang có trong tài khoản.

Hay một ngày đầu tháng 5-2023, anh M.V.N. ở thôn Cừ Phú, xã Vũ Phúc, TP Thái Bình tới trụ sở Chi nhánh Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Thái Bình để yêu cầu rút trước thời hạn toàn bộ 4 quyển sổ tiết kiệm với tổng trị giá 535 triệu đồng. Khi thấy khách hàng có nhu cầu rút trước thời hạn cùng lúc 4 quyển sổ tiết kiệm, kiểm soát viên ngân hàng trò chuyện và nhận thấy anh N. có nhiều biểu hiện bất thường nên đưa ra nhiều ví dụ về các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo. Sau khi được cán bộ ngân hàng giải thích, anh M.V.N. đã chia sẻ rằng, anh liên tục bị một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Thái Bình tên Tuấn Anh gọi điện thoại dọa dẫm, yêu cầu anh phải chuyển tiền trước 17h cùng ngày để minh oan cho một đường dây mua bán ma túy, rửa tiền mà anh có liên quan.

Biết đây là một vụ lừa đảo, kiểm soát viên ngân hàng đã báo cáo sự việc với lãnh đạo chi nhánh liên hệ với Công an tỉnh Thái Bình để phối hợp xác minh đối tượng tên Tuấn Anh. Công an tỉnh Thái Bình khẳng định không có cán bộ nào tên Tuấn Anh công tác tại Công an tỉnh Thái Bình như mô tả, anh M.V.N. mới bình tĩnh trở lại và dừng toàn bộ giao dịch tất toán sổ tiết kiệm của mình.

Cảnh báo về các hình thức lừa đảo

Để khách hàng cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội, các ngân hàng đã liên tục phát đi những khuyến cáo khách hàng cảnh giác với các hình thức lừa đảo.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Thanh Hóa Trịnh Thị Kim Liên cho biết: Ngân hàng Agribank đã đăng tải trên trang website ngân hàng cũng như tuyên truyền cho khách hàng các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay như giả mạo các tổ chức yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, mật khẩu, PIN, OTP để thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền bất hợp pháp; mạo danh nhân viên nhà mạng đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành 4G miễn phí để sử dụng số điện thoại nhận mã OTP kết hợp với thông tin định danh đã thu thập của khách hàng để kích hoạt dịch vụ ngân hàng điện tử, có quyền truy cập thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tiền; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để đe dọa khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm, yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra; giả mạo trang thông tin điện tử chính thống để lừa đảo; lừa đảo tuyển cộng tác viên online có hoa hồng cao; giả mạo tin nhắn của ngân hàng; giả mạo website chuyển/nhận tiền từ nước ngoài; chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội; chào mời trả góp, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

Trước các thủ đoạn trên, Agribank đã khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (CCCD, CMND, hộ chiếu...); thông tin tài khoản; thông tin bảo mật thẻ (số thẻ, PIN, số bảo mật CVV2/CVC2/CAV2, ngày hiệu lực); thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử (User, mật khẩu đăng nhập, mã OTP) cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng; nâng cao tinh thần cảnh giác, khóa hạn mức giao dịch tối đa, quản lý thẻ trong tầm kiểm soát; cẩn trọng khi sử dụng wifi công cộng; giao dịch tại các website uy tín, bảo mật; kiểm tra độ tin cậy của các trang điện tử; xử lý khi nghi ngờ, phát hiện lừa đảo như chủ động tự khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến bằng cách đổi mật khẩu đăng nhập trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking bằng chức năng “Đổi mật khẩu” tại mục “Cài đặt mật khẩu”. Thực hiện tạm khóa thẻ trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking chọn “Khóa thẻ” tại mục “Dịch vụ thẻ”. Liên hệ ngay tới Hotline 24/7 khách hàng cá nhân của Agribank 1900558818/024.32053205 nếu cần hỗ trợ.

Nhằm bảo vệ khách hàng, VPBank cũng khuyến cáo khách hàng không cung cấp mã OTP/Smart OTP, mật khẩu Internet Banking hoặc số PIN thẻ ATM, số CVV2/CVC2. Không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ tòa án, nhân viên ngân hàng. Hết sức cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web lạ. Tìm hiểu và biết cách nhận diện link URL an toàn. Xác minh độ chính xác/tin cậy của các tin nhắn quảng cáo hiển thị thương hiệu bằng cách sao chép SMS gửi tới 9548 (Viettel), 9241 (Mobifone), 1551 (Vinaphone)...

Hay trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 VietinBank cũng đã chuyển tin nhắn đến khách hàng khuyến cáo khách hàng cảnh giác với các hình thức lừa đảo thông qua tin nhắn mạo danh VietinBank; cuộc gọi giả mạo người thân, cán bộ ngân hàng hay cơ quan chức năng. Tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, qua bất cứ hình thức nào...

Cùng với khuyến cáo của các ngân hàng, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã tuyên truyền cảnh báo người dân cảnh giác khi sử dụng tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ trong tin nhắn rác nhận được (các đường link lừa đảo chỉ khác một vài ký tự hoặc chi tiết so với đường link thật nên rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng, đặc biệt chú ý đến các đường link có đuôi .vn-eg.top, .vn-eg.xyz, .vn-tr.xyz, .vn-tr.xyz, .vn-zt.top, .vn-tr.top. Đường link dẫn đến website mạo danh có giao diện gần giống với trang chủ tương ứng của ngân hàng bị mạo danh). Chỉ đăng nhập tài khoản ngân hàng trên điện thoại bằng ứng dụng mà bạn đã cài đặt và sử dụng thường xuyên trước đây. Không được cung cấp mã OTP gửi về số điện thoại cho bất kỳ ai. Nếu có sự cố với tài khoản ngân hàng, liên hệ ngay với tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng hoặc trực tiếp đến chi nhánh ngân hàng để được hướng dẫn.

Để phòng, tránh các thủ đoạn lừa đảo, chủ tài khoản cần chủ động cảnh giác với các thủ đoạn nêu trên của các loại tội phạm, không để trở thành nạn nhân bất đắc dĩ để rồi mất tiền oan.

Nguồn: Báo Thanh Hoá

Tác giả: Công an thành phố Thanh Hoá
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu