MA TÚY - HIỂM HỌA CỦA NHÂN LOẠI

Dưới sự biến hóa khôn lường của các biến thể của ma túy. Chính phủ Việt Nam đã đưa vào quy định, tại thời điểm hiện tại có tổng cộng có tới 559 chất được đưa vào danh mục là chất ma túy. Với sự ra đời ngày càng nhiều loại ma túy, danh mục ma túy chắc chắn sẽ được bổ sung tiếp theo những biến thể mới của chúng.

Kỳ 2 - Những biến thể của Ma túy trong tự nhiên.

Theo thông tin của các cơ quan phòng chống tội phạm về ma túy, từ những loại ma túy phổ biến ban đầu như cần sa, heroin, thuốc phiện… hiện nay những loại ma túy tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều và gây ra tác hại to lớn đối với sức khỏe của người người sử dụng và nhiều nguy cơ, hiểm hoạ đối với cộng đồng.

1. Cần sa

THC là thành phần tạo ra tác động tâm sinh lý chính của cần sa.

Chất THC trong cần sa

Cần sa là loại ma túy được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa. Loại ma túy này còn được biết đến với những tên khác như "cỏ", bồ đà, tài mà… Cần sa nhìn giống như lá chè khô và có thể còn hạt hoặc còn các cành nhỏ. Cần sa có thể màu xám, xanh lá cây hoặc màu nâu.

Cần sa thường được lăn bằng tay thành thuốc cuốn để hút, hoặc được hút bằng ống điếu. Một số người còn trộn cần sa với thức ăn như bánh ngọt hoặc bánh quy để ăn. Cần sa cũng có thể được trộn lẫn để hút cùng thuốc lá.

Trong cần sa có chất THC là yếu tố làm cho người sử dụng "phê". Khi hút cần sa, THC nhanh chóng qua phổi vào máu. Sau đó nó sẽ theo đường máu đi lên não, làm biến đổi tâm trạng của người sử dụng, khiến họ có cảm giác khác biệt. Người sử dụng cần sa trong một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc cần sa và sẽ luôn tìm cần sa để sử dụng.

Tác động của cần sa

Với liều dùng nhỏ, ảnh hưởng của cần sa có thể kéo dài trong vòng 5 giờ đồng hồ và người sử dụng có thể: Cảm thấy khỏe khoắn và sảng khoái một cách lạ thường; Có những hành động khác thường. Giữ thăng bằng và kiểm soát cơ thể kém; Cười nói nhiều hơn; Khó tập trung; Cảm giác đói; Nhịp tim nhanh hơn; Mắt ngầu đỏ; Chỉ tập trung vào một việc nhất định và thờ ơ với mọi việc khác. Những ảnh hưởng này thường làm cho người sử dụng cảm thấy mọi thứ đều chậm chạp và có cảm giác buồn ngủ.

Với liều dùng lớn sẽ làm cho người sử dụng: Lẫn lộn, bồn chồn, phấn chấn, nghe hoặc nhìn thấy những sự việc không có thực (ảo giác), lo lắng, sợ hãi, cảm thấy xa rời hoặc tách biệt khỏi thực tại…

Nếu sử dụng cần sa thường xuyên và trong một thời gian dài, người sử dụng sẽ gặp phải những vấn đề sức khỏe sau: Tăng nguy cơ mắc viêm phế quản, ung thư phổi và các bệnh lý khác về đường hô hấp; Giảm động cơ làm việc; Giảm khả năng tập trung, trí nhớ và khả năng học hỏi những điều mới; Giảm ham muốn tình dục; Giảm lượng tinh trùng ở nam giới; Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới; Một số người còn gặp phải các ảnh hưởng về tâm lý, đặc biệt ở những người đã có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt…

2. Thuốc phiện

Cây hoa thuốc phiện.

 

         Cây thuốc phiện (cây anh túc) là loại cây thân cỏ, thân thẳng đứng, cao từ 1 - 1,5m, mọc ở nơi khí hậu mát, thích hợp với đất sét vôi. Nó có từ 8 - 12 nhánh phụ, mỗi nhánh có 1 bông hoa nhiều màu sắc, từ hoa sinh ra quả. Nhựa từ quả gọi là thuốc phiện sống. Nhựa thuốc phiện thường dùng để hút. Lúc đầu hút vào thấy có sự khoái lạc, tạo cảm giác hưng phấn, làm giảm đau nhức, mệt mỏi. Nhưng càng hút thì càng ngày càng phải tăng liều mới đạt được cảm giác như lần trước. Dần dần người hút bị suy sụp, mất hết nghị lực, ý chí và cả cảm giác.

Hơn thế, ở người sử dụng thuốc phiện còn xuất hiện các biến chứng như: viêm dạ dày, viêm ruột mạn tính, táo bón dai dẳng, phát ban ngoài da, tiểu tiện ra abumin, thường hay bị sưng phổi, mạch đập chậm và không đều. Nguy hiểm hơn là khi không có thuốc, người sử dụng ma tuý phải nạo xái trong ống thuốc ra để hút, hút xái độc hơn vì nó có khoảng 80 - 90% chất morphin.

3. Nấm ảo giác

Nấm ảo giác.

Nấm ảo giác còn có những cái tên khác như nấm thức thần, nấm ảo giác, nấm ma thuật... Là loại ma túy có mùi thơm thoang thoảng pha trộn giữa mùi của nấm hương với thuốc lá.

Loại ma túy này gây ảo giác mạnh cho người dùng, sau khi nhai nhấm, người dùng cảm giác lâng lâng, bay bổng, cười khóc vô cớ, có thể kéo dài từ 6 - 20 tiếng, tùy thể trạng và liều dùng. Những người thể trạng yếu có thể bị kiệt sức, càng dùng nhiều càng lệ thuộc.

4. Lá khát

Lá khát còn có tên khác là "Thiên đường", là loại lá giống trà xanh. Lá khát chứa 2 chất là cathine và cathinone. Đây chính là 2 tiền chất để điều chế ma túy đá. Các chất có trong lá khát độc hại hơn ma túy thông thường 500 lần, nguy hiểm hơn nếu dùng với rượu.

Lá khát được sử dụng bằng cách nhai tươi, cuốn thành thuốc hút nếu ở dạng khô, pha nước uống hoặc làm gia vị cho thức ăn… Người dùng loại lá ma túy này có các biểu hiện như mắt bị mờ, rụng răng, rối loạn tâm thần, trở nên hung hăng bất thường, thường xuyên chìm trong ảo giác. Ngoài ra, lá khát còn được tinh chế thành loại ma túy mới có tên là muối tắm cực độc.

Kỳ này, chúng ta đã điểm tên một số loại ma túy có nguồn gốc từ tự nhiên như cần sa, thuốc phiện, nấm ảo giác và lá khát. Mỗi loại đều có những đặc điểm khác nhau, cách thức chúng tác động đến hệ thần kinh của ngưởi sử dụng cũng khác nhau nhưng đây có thể coi là sơ khai để tạo ra những loại ma túy phổ biến như ngày nay. Ở kỳ tới, chúng ta sẽ tiếp tục điểm tên một số loại ma túy bán tổng hợp - đây là những biến thể tiếp theo của ma túy có gốc từ tự nhiên.

Tác giả: Trương Đức Thắng - PC04
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu