Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền.
Trước tình hình ngày càng có nhiều trường hợp người dân dù không vay mượn, không bảo lãnh nhưng lại bị các đối tượng “khủng bố” đòi nợ bằng điện thoại, tin nhắn và bị bêu xấu trên các trang mạng xã hội, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi gặp phải tình huống này.
Thời gian gần đây có nhiều trường hợp người dân dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay mượn tiền qua các ứng dụng (app) cho vay tiền nhưng lại bị các đối tượng “khủng bố” đòi nợ bằng điện thoại, tin nhắn và có trường hợp bị bêu xấu trên các trang mạng xã hội.
Qua công tác điều tra, xác minh của lực lượng chức năng xác định nguyên nhân chính xảy ra những vụ việc trên xuất phát từ việc người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người bị gọi điện đã tham gia vay tiền qua app và không trả tiền đúng hạn nên các đối tượng đòi nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ của họ để nhắn tin, gọi điện thoại nhằm mục đích đòi nợ, cho dù người bị gọi điện không liên quan đến các khoản vay nợ đó.
Hiện nay, thủ tục vay tiền qua app hết sức đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp thông tin CMND/CCCD là có thể vay được tiền, vậy nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng việc đánh cắp thông tin hoặc sử dụng thông tin công khai của bạn để thực hiện việc vay tiền qua app nhưng sau đó không trả. Từ tình hình trên, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân như sau:
Trước hết, người dân cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm chứng cứ).
Thứ hai, sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.
Thứ ba, nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến Cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thứ tư, tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…
Thứ năm, để vừa bảo đảm nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp.
Thứ sáu, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền./.