Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy mùa nắng nóng

Hiện nay, tình hình thời tiết các tỉnh miền Bắc nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang trong tình trạng nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao, thời tiết hanh khô, kéo theo nhu cầu sử dụng xăng dầu, khi đốt và điện tăng cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ...

Theo số liệu thống kê, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khoảng 46 vụ cháy, làm 3 người chết, 1 người bị thương (tăng 3 vụ, 3 người chết so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó có nhiều vụ cháy tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại lớn về người, tài sản và gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Điển hình, ngày 27/12/2021 đã xảy ra vụ cháy tại ngôi nhà 3 tầng ở số 02A Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hoá làm 3 người chết, 1 người bị thương. Mới đây nhất, ngày 5/7/2022, đã xảy ra vụ cháy tại cửa hàng thiết bị điện Hà Dương, ở 155 Lê Hồng Phong, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa. Mặc dù vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhiều tài sản, hàng hoá của cửa hàng, ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Qua điều tra, hầu hết các vụ cháy xảy ra, nguyên nhân chính là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ sở kinh doanh, chủ hộ gia đình và người dân đối với công tác PCCC chưa cao; công tác tuyên truyền, phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại một số địa bàn vẫn còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC cơ sở còn thấp...

Lực lượng Cảnh sát PCCC nhanh chóng tổ chức lực lượng và phương tiện 
dập tắt đám cháy tại cửa hàng đồ điện Hà Dương, số 155, Lê Hồng Phong

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, thời gian qua, Giám đốc Công an tỉnh đã có Kế hoạch chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, nhất là các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, các kho bãi trông giữ xe ô tô, xe máy, các cơ sở sản xuất, buôn bán các mặt hàng dễ cháy như vải, quần áo, giày dép, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; các địa bàn có rừng có nguy cơ cháy cao..vv.. nhằm đánh giá đúng tình hình thực tế công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các vụ cháy xảy ra trên các lĩnh vực này.

Mặt khác, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn dẫn tích cực tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ. Tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khả năng sẵn sàng ứng phó với các tỉnh huống cháy, nổ xảy ra của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác của các tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy; nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra... Tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy, nổ; vận động người dân sử dụng "App báo cháy 114”.

Riêng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ và Công an 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vừa chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, vừa tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị tích cực tham gia phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra theo chức năng, thẩm quyền được phân cấp quản lý, tập trung kiểm tra việc lập hồ sơ theo dõi công tác quản lý các hoạt động PCCC và việc sắp xếp, bố trí tạo khoảng cách, hành lang an toàn PCCC; kiểm tra việc quản lý, sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn nước, hệ thống đường điện, các phương tiện chữa cháy tại chỗ, lối thoát nạn khi có tình huống chảy xảy ra....Từ đó phát hiện các sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ và hướng dẫn cơ sở kịp thời có biện pháp khắc phục, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức tuyên truyền Nhân dân 
trên địa bàn phố Trần Oanh tháo dỡ chuồng cọp, tạo lối thoát hiểm thứ 2

Trên lĩnh vực bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng, lực lượng Công an đã tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Kiểm lâm đầy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, nhất là các chủ rừng về Luật bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Đồng thời, tập trung kiểm tra, củng cố, kiện toàn các tổ chức quần chúng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, sẵn sàng ứng cứu và giải quyết tình huống khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố sẽ tăng cường quân số, đảm bảo thường trực, ứng trực 24/24h tại đơn vị trung tâm và các đội chữa cháy khu vực sẵn sàng huy động lực lượng tham gia cứu chữa khi có cháy, nổ xảy ra. Đồng thời cũng khuyến cáo người dân:

Để phòng ngừa, kiềm chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ mùa nắng nóng ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì người đứng đầu cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc trách nhiệm PCCC và CNCH như: tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy kịp thời khắc phục các sơ hở thiếu sót...

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức tuyên truyền và phát cẩm nang PCCC cho Nhân dân

Bên cạnh đó người dân cần thường xuyên kiểm tra nguồn điện, để cách xa vật liệu dễ cháy với nguồn điện ít nhất 0,5m. Không sử dụng quá nhiều thiết bị điện cùng một lúc. Các hộ gia đình, công ty, xí nghiệp tuyệt đối không tích trữ chất nguy hiểm gây cháy nổ (như xăng, dầu, bình gas mini). Đối với các hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy (quần áo, đệm, chăn) phải bố trí hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện và cần có lối thoát hiểm cần thiết. Hệ thống điện cần phải được lắp đặt và sử dụng đúng kỹ thuật, không tự ý lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện. Ngoài ra, cần lắp đặt các thiết bị bảo vệ, ngắt điện tự động. Đặc biệt, người dân cần đề cao cảnh giác với hỏa hoạn, tự trang bị cho mình những kiến thức về PCCC để chủ động ứng phó khi xảy ra cháy nổ và kịp thời cấp báo cho cơ quan PCCC theo đường dây nóng 114 xử lý cháy nổ...

Có như vậy, công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH mùa nắng nóng mới được triển khai đồng bộ và triệt để, cả hệ thống chính trị và người dân chung tay không để xảy ra các vụ cháy, nổ, cháy rừng, bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân./.

Tác giả: Minh Phương
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu