Chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng
Ngày đăng: 31/07/2023 - 16:56
Theo số liệu thống kê,tỉnh Thanh Hoá có trên 641.000 ha rừng, trong đó có trên 42.336 ha rừng có nguy cơ cháy cao. Từ năm 2017 - 2022 trên địa bàn toàntỉnh đã xảy ra 27 vụ cháy rừng thiệt hại ước tính hơn 82 ha rừng...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng là do người dân bất cẩn trong việc sử dụng lửa khi đốt dọn vườn, đốt vệ sinh rừng sau khai thác rừng trồng, đốt xử lý thực bì để khai thác khoáng sản, xử lý thực bì trồng rừng,..v.v.. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao bất thường, nguy cơ cháy rừng rất cao trên toàn bộ diện tích rừng của tỉnh.
Để chủ động phòng, chống cháy rừng và đối phó với tình hình cháy rừng có thể xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động nền nếp, có hiệu quả các Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, tăng cường tổ chức hỗ trợ nghiệp vụ và huấn luyện, diễn tập PCCCR; tuần tra, kiểm soát PCCCR tại các khu rừng trọng điểm trong những ngày nguy cơ cháy rừng cao; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về PCCCR.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH, trong những năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC giai đoạn 2021 -2025”, trong đó đã chú trọng củng cố, kiện toàn 27/27 Ban Chỉ đạo cấp huyện, 559/559 Ban chỉ đạo cấp xã. Thành lập, củng cố, kiện toàn 4.353 đội dân phòng tại các thôn, bản, khu phố với 43.735 thành viên (đạt 100%); tổ chức, biên chế của đội dân phòng được thành lập trên cơ sở nòng cốt của tổ bảo vệ ANTT, tổ an ninh xã hội, tổ bảo vệ dân phố và cá nhân tình nguyện tham gia ở khu dân cư,..v.v..
Ngoài ra, đơn vị đã chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và chủ rừng trong công tác PCCCR; hướng dẫn, đôn đốc chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện trách nhiệm trong công tác PCCCR theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức 2.000 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành và lực lượng dân phòng với hơn 100.000 lượt người tham gia.
Cùng với đó, trong những năm qua việc triển khai xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCCR cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều cách làm hay, mô hình, gương điển hình tiên tiến về công tác PCCCR được phát huy và nhân rộng. Qua đó đã làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư, trong việc thực hiện các quy định về PCCC phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia PCCC nói chung, PCCCR nói riêng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc giảm vật liệu cháy dưới tán rừng. Lực lượng kiểm lâm đã phát dọn và đốt trước có kiểm soát dưới tán rừng thông, rừng trồng có nguy cơ cháy cao được gần 780 ha; làm mới và tu sửa đường băng cản lửa gần 70 km... Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Chi Cục Kiểm lâm đã chủ động phối hợp, tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đầy đủ, chủ động tuần tra, kiểm tra, thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống cháy rừng có thể xảy ra; Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về PCCCR để răn đe và giáo dục phòng ngừa.
Với phương châm “phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả“ các đơn vị đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng phương án chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ từ tỉnh, đến huyện, xã và các thôn, bản....