Công an Thanh Hóa chi viện cho an ninh miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cùng với quân và dân tỉnh nhà, lực lượng Công an Thanh Hóa phải thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính chiến lược: Củng cố, xây dựng lực lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH ở hậu phương miền Bắc, đồng thời, phát huy vai trò là hậu phương trực tiếp cho cách mạng miền Nam nói chung và an ninh miền Nam nói riêng trong nhiệm vụ chi viện sức người, sức của ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của chiến trường.
Để chủ động phục vụ nhiệm vụ chi viện cho chiến trường, hàng năm, Ty Công an Thanh Hóa đã đề xuất tăng biên chế, để có biên chế dự trữ, “gối đầu” phòng bị khi rút lực lượng không bị hụt hẫng về nhân sự và tổ chức. Tiếp thu tinh thần của Bộ, Đảng đoàn Ty Công an đã xác định tiêu chí và điều kiện cán bộ, chiến sĩ công an chi viện phải đảm bảo các yếu tố: Tự nguyện xung phong, khi đi chi viện thì gia đình ít khó khăn hoặc không gặp khó khăn; là đảng viên, có trình độ trung, sơ cấp trở lên, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có kinh nghiệm về công tác nghiệp vụ, công tác vận động quần chúng tốt; có sức khỏe, thể lực tốt, dẻo dai, kiên trì... trong rèn luyện thể dục, thể thao, vũ thuật, điều lệnh nội vụ... Với chủ trương và biện pháp trên đây, hàng năm, qua các đợt phát động chi viện cho An ninh miền Nam, trên 90% cán bộ, chiến sĩ đã đăng ký tình nguyện lên đường chi viện. Tính từ tháng 7-1962, đợt chi viện đầu tiên do Bộ Công an tổ chức và quản lý (lớp A4, B2) cho đến tháng 4-1975, Ty Công an Thanh Hóa đã chi viện cho An ninh miền Nam gần 500 đồng chí. Kể từ năm 1965 trở đi, hầu như năm nào Ty Công an Thanh Hóa cũng đều có cán bộ, chiến sĩ lên đường chi viện cho An ninh miền Nam. Đặc biệt, đầu tháng 3-1975, để phục vụ cho chiến dịch mùa xuân năm 1975, Ty Công an Thanh Hóa đã điều động một số lượng tới 214 cán bộ, chiến sĩ (trong đó 77 sĩ quan và 137 hạ sĩ quan) thuộc nhiều lực lượng nghiệp vụ khác nhau, thần tốc chi viện cho chiến trường. Những cán bộ, chiến sĩ công an chi viện đã nhanh chóng hòa nhập với cán bộ an ninh tại chỗ, bám sát phong trào cơ sở, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, lập nhiều chiến công. Lực lượng cán bộ chi viện đã trải qua những năm tháng khốc liệt nhất nơi chiến trường, giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong hầu hết các chiến dịch chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ đến các chiến dịch bình định, gom dân lập ấp chiến lược, đánh phá khốc liệt phong trào cách mạng ở đồng bằng, rải bom và chất độc hóa học ở miền núi của đế quốc Mỹ. Trong cuộc chiến đó đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an chi viện vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
Để tìm hiểu kỹ hơn về những đóng góp, sự hy sinh anh dũng mà lực lượng cán bộ công an chi viện miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi đã gặp Đại tá Nguyễn Tiến Thỉnh tại nhà riêng ở số nhà 82, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa). Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng với Đại tá Nguyễn Tiến Thỉnh những ký ức hào hùng về một thời khói lửa vẫn còn nguyên vẹn. Tháng 11-1967, Đại tá Nguyễn Tiến Thỉnh là một trong những cán bộ của Công an thị xã lên đường tăng cường cho An ninh miền Nam. Sau 4 tháng vượt Trường Sơn theo đường mòn Hồ Chí Minh, ông được đưa đến Ban An ninh khu 5 thuộc chiến khu Quảng Nam, sau đó được phân công về Ban An ninh Đắk Lắk, sống cảnh “màn trời chiếu đất”. “Lúc này địch vây ráp rất căng, càn phá, bắt bớ dân chúng, không cho tiếp xúc với cách mạng. Dù vậy, tôi vẫn đưa ra tiêu chí: Phải dựa vào dân, xây dựng phong trào cách mạng trong dân để đánh địch”, Đại tá Nguyễn Tiến Thỉnh nhớ lại. Khi đã quen với lối sống sinh hoạt và phương thức hoạt động trong vùng kiểm soát, ông được cử về làm công tác an ninh ở Ban An ninh khu 6 thuộc địa bàn phía Nam Đắk Lắk để xây dựng cơ sở tại vùng địch, nắm tình hình quân sự của địch và ngụy quyền để cung cấp thông tin cho tiểu đoàn đóng quân trên địa bàn và Bộ Công an chỉ đạo tấn công chính trị; đồng thời phải bắt sống hoặc tiêu diệt những tên ác ôn ngoan cố để bảo vệ cơ sở cách mạng, tạo điều kiện cho nhân dân làm chủ từng vùng. Hồi tưởng về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, Đại tá Nguyễn Tiến Thỉnh vẫn không khỏi xúc động trước những người đồng đội đã nêu cao tấm gương bám dân, bám đất, sẵn sàng sống trong cảnh “lấy đất làm giường, lấy hầm làm nhà, đói lòng lấy nước thay cơm” vẫn kiên cường bám trụ trong dân, giữ vững cơ sở, luồn sâu vào vùng địch kiểm soát.
Đó là những cán bộ, chiến sĩ công an tiên phong tình nguyện đi chiến trường trong mỗi đợt phát động phong trào vào Nam chiến đấu. Khi vào đến chiến trường, họ đã hòa nhập nhanh vào thực tế cuộc sống và chiến đấu ở địa bàn từ Trị - Thiên đến Cà Mau và Ban An ninh Trung ương cục miền Nam. Qua khói lửa chiến tranh và cuộc sống gian khổ nơi chiến trường, các đồng chí đã phát huy truyền thống quê hương, kiên trì đấu tranh, gắn bó với nhân dân, đoàn kết với đồng chí, đồng đội, với cán bộ địa phương; phát huy tác dụng nhiều mặt cả về chính trị, nghiệp vụ, vũ trang trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng ở địa phương.