Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến góp ý dự thảo luật Cảnh sát Cơ động
Ngày đăng: 13/05/2022 - 22:40
Chiều 13/5/2022, tại Công an tỉnh Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Khóa XV gồm các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Cao Mạnh Linh, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội; Bùi Mạnh Khoa, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; Trần Văn Thức, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Cầm Thị Mẫn, đại biểu Quốc hội chuyên trách; Phạm Thị Xuân, Thư ký toà án Nhân dân huyện Quan Hoá đã có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với cử tri Công an tỉnh Thanh Hóa về đóng góp xây dựng Luật Cảnh sát cơ động…
Dự Hội nghị tiếp xúc cử tri có các đồng chí: Thiếu tướng Trần Phú Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí Thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các ban, ngành cấp tỉnh và đông đảo cử tri Công an tỉnh.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã triển khai dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 33 điều; báo cáo một số nội dung xin ý kiến góp ý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động; báo cáo việc góp ý xây dựng 2 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo đảm ANTT tại cơ sở và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Góp ý Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, các cử tri Công an tỉnh đã nhất trí cao với việc xây dựng và ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Các cử tri cũng khẳng định, sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, do đó việc xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết và phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn hiện nay, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đồng bộ, thống nhất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, nhiều cử tri đã nêu ý kiến kiến nghị một số nội dung cụ thể nhằm đóng góp xây dựng hoàn thiện quy định Luật Cảnh sát cơ động về đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của lực lượng Cảnh sát cơ động; về công tác trang bị, quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát cơ động; về việc huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; về trách nhiệm và chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ giúp đỡ Cảnh sát cơ động… Qua đó, nhằm giúp phát huy tối đa sức mạnh, khả năng tác chiến đặc biệt của lực lượng Cảnh sát cơ động, cũng như xác định rõ phạm vi, mức độ quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Góp ý xây dựng 2 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo đảm ANTT tại cơ sở và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, các cử tri Công an tỉnh Thanh Hoá đã bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao đối với việc xây dựng và ban hành 2 dự án Luật. Các cử tri đã nêu ý kiến phân tích, làm rõ những vấn đề về cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý ban hành Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo đảm ANTT tại cơ sở; nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xuất phát từ bất cập của hệ thống pháp luật… Qua đó, thống nhất ý kiến về việc Quốc hội cần sớm thông qua và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Trường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao tinh thần đóng góp ý kiến sôi nổi của cử tri và các đại biểu tham dự hội nghị.
Đồng chí trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, đây đều là các ý kiến góp ý rất tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn. Đồng thời cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng để phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là phản ánh đến các cơ quan bảo vệ pháp luật của Trung ương về những vấn đề mà cử tri Công an tỉnh đã phản ánh.
Đồng chí nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Quốc hội sẽ nghiên cứu 2 nội dung liên quan đến ngành Công an. Do đó các ý kiến, kiến nghị của cử tri rất có ý nghĩa, giúp cho đoàn đại biểu Quốc hội có thêm thông tin để thảo luận tại hội trường cũng như bấm nút các văn bản có liên quan đến Ngành Công an./.