Đấu tranh quyết liệt với tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 334 giấy phép khai thác khoảng sản, trong đó có 209 mỏ khoáng sản đang hoạt động. Bên cạnh nhu cầu xây dựng của người dân, việc triển khai thực hiện nhiều dự án, công trình trọng điểm về kinh tế, giao thông khiến nhu cầu sử dụng khoáng sản (đất, đá, cát, sỏi) để thi công dự án tăng cao, trong khi quy hoạch nguồn khoáng sản trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến việc khai thác khoáng sản trái phép tiềm ẩn nhiều phức tạp, gây ảnh hưởng đến ANTT.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên lĩnh vực môi trường, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, từ năm 2020 đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh huy động các cấp, các ngành vào cuộc trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm về tài nguyên khoáng sản; tham mưu các cấp, các ngành gần 20 kiến nghị; Giám đốc chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách pháp luật mới về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, nhất là Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; triển khai 4 đợt cao điểm để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến tài nguyên khoáng sản...

Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp tích cực trong giải quyết các vấn đề quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản; tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết khoáng sản nói riêng; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác, chế biến, tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản.
Riêng lực lượng Cảnh sát môi trường từ Công an tỉnh đến Công an các huyện, thị xã, thành phố đã thường xuyên tăng cường các biện pháp điều tra cơ bản, tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép. Thường xuyên quản lý, kiểm tra xác minh, phát hiện các bến, bãi tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép; bến, bãi có yếu tố sử dụng đất được cơ quan Nhà nước giao, cho thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích để xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định; đồng thời, chỉ đạo thu hồi đất, giải tỏa, yêu cầu tự tháo dỡ, chấm dứt hoạt động; nếu không chấp hành thì phải tiến hành cưỡng chế theo quy định.
Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường đã kiểm tra 73 vụ việc đối với 30 tổ chức, 65 cá nhân, qua đó phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, kiến nghị các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản; khởi tố 1 vụ vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản; tham mưu xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 4,5 tỉ đồng; thu giữ 4 máy xúc, 1 ôtô, 27 máy nổ, vòi hút cát, hàng nghìn m3 đất, đá, cát, sỏi liên quan đến các hành vi vi phạm…
