Vì sao người dân cần phải có tài khoản định danh điện tử (Căn cước điện tử)

Việc định danh, xác thực con người cụ thể trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết, quan trọng nhất trong thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, các Cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức doanh nghiệp đã và đang thực hiện một số Dịch vụ công trên môi trường điện tử và sử dụng tài khoản định danh điện tử (CCCD điện tử) để giải quyết và thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử. Mỗi công dân chỉ có một Căn cước điện tử là tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an tạo lập.

Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như sử dụng thẻ Căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình. Mặt khác, Căn cước điện tử có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để Cơ quan tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó. Ngoài ra, tài khoản định danh điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID do Bộ Công an xây dựng, phát triển, quản lý đã có nhiều tính năng , tiện tích gồm: Thông báo lưu trú, tiếp nhận kiến nghị phản ánh an ninh trật tự, “ ví giấy tờ” (hiển thị thông tin các giấy tờ của cá nhân như: giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế...), thông tin người phụ thuộc...

 

Ảnh minh họa: Công an Thành phố Thanh Hóa  hướng dẫn đăng ký,

 sử dụng, kích hoạt định danh điện tử cho người dân.

Trong quá trình sử dụng tài khoản định danh điện tử công dân có thể gặp phải một số vướng mắc. Công an tỉnh Thanh Hóa giải đáp một số trường hợp vướng mắc điển hình như sau:

(1) Nếu không có điện thoại thông minh (smartphone) hoặc điện thoại thông minh cấu hình thấp chưa đáp ứng, phù hợp với ứng dụng VneID  thì công dân có thể kích hoạt tài khoản định danh điện tử bằng máy tính.

(2) 01 Điện thoại thông minh chỉ có thể dùng đăng ký cho 01 tài khoản VNeID.

(3) Công dân có thể dùng VNeID thay cho bằng lái xe trong thời gian tới (hiện nay, đang thực hiện thí điểm tại một số địa phương và sẽ triển khai diện rộng). Nhưng tài khoản định danh điện tử của công dân phải ở mức độ 2 và phải làm thủ tục tích hợp bằng lái xe vào ứng dụng VNeID trước thì mới có thể sử dụng tiện tích này.

(4) Nếu công dân mua điện thoại mới hoặc làm mất điện thoại thì nên hủy Ứng dụng VNeID trên điện thoại cũ hoặc thực hiện yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để bảo mật thông tin cá nhân, đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân.

(5) Để được cấp tài khoản định danh điện từ thì công dân bắt buộc phải có Căn cước công dân gắn chíp. Trong trường hợp chưa có Căn cước công dân gắn chíp thì cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 sẽ thực hiện cùng với khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

(6)  Trên ứng dụng VNeID đã có thông tin thẻ Căn cước công dân của công dân nếu công dân bị mất thẻ vẫn cần phải làm lại vì thẻ Căn cước công dân gắn chíp có nhiều chức năng và là nền tảng để người dân chứng minh tài khoản của mình.

Công an tỉnh Thanh Hóa giải đáp những vướng mắc và những nội dung có liên quan về tài khoản định danh điện tử để người dân biết, cài đặt ứng dụng VNeID và đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử trong các giao dịch hành chính. Bắt đầu từ ngày 01/7/2024, các Dịch vụ công đều sẽ thực hiện thông qua định danh điện tử. Hiện nay, Bộ Công an đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng định danh và xác thực điện tử, triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu  về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) thì việc đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử ngày càng trở nên cần thiết và mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho người dân.

Tác giả: Quỳnh Hương, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu