Công an Thanh Hóa phát huy vai trò gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính
Ngày đăng: 30/08/2023 - 11:37
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được những kết quả tích cực, các mục tiêu nhiệm vụ mang tính chất nền tảng của Đề án 06 đều cơ bản hoàn thành, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của Đề án 06 đối với việc chuyển đổi số, ngay từ khi bắt đầu triển khai, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp với quyết tâm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với quyết tâm chính trị và nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò tham mưu nòng cốt, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã triển khai tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ của 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Số lượng thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 955 thủ tục; đã tích hợp, đồng bộ công khai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công tỉnh 955 dịch vụ, đạt tỷ lệ 100%.
Riêng lực lượng Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công thiết yếu, đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích, tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp và người dân…Theo đánh giá của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công của Công an Thanh Hóa trên tất cả các lĩnh vực đều bảo đảm các chỉ tiêu, yêu cầu đề ra. Trong đó có nhiều lĩnh vực đạt tỷ lệ cao, như: Lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và lĩnh vực con dấu đều đạt 100%; lĩnh vực cư trú đạt 95.58%; lĩnh vực xuất nhập cảnh đạt 91.74%; lĩnh vực giao thông đạt 71,8%...
Bà Nguyễn Thị Thanh, đại diện Công ty THHH PECI Việt Nam chia sẻ: Khi áp dụng chuyển đổi số trong thực tiễn công việc của doanh nghiệp, chúng tôi gặp rất nhiều thuận lợi trong việc tiết kiệm thời gian đi lại, theo dõi được quá trình giải quyết hồ sơ, sự tương tác giữa doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước được nhanh chóng, kịp thời.
Với vai trò là cơ quan Thường trực thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh đã luôn thể hiện quyết tâm và vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án gắn với thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong lực lượng CAND. Đến ngày 19/7/2023, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành việc cấp CCCD, chính thức về đích trong chiến dịch thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử cho công dân. Hoàn thành trước chỉ tiêu đăng ký với lãnh đạo Bộ Công an 11 ngày và trước thời hạn quy định của Bộ Công an 42 ngày. Tính đến ngày 30/8/2023, Thanh Hóa đã thu nhận được hơn 3,4 triệu hồ sơ, trong đó đã trả hơn 3 triệu thẻ CCCD cho công dân. Đối với việc cấp tài khoản định danh điện tử, đến ngày 28/8/2023, toàn tỉnh đã thu nhận hơn 2,3 triệu hồ sơ, vượt chỉ tiêu Bộ Công an trên 700 nghìn hồ sơ, trong đó đã kích hoạt được hơn 1,6 triệu tài khoản, đạt tỷ lệ trên 100%.
Để có được thành quả đó, lực lượng Công an Thanh Hóa đã dồn toàn lực, tăng ca, làm ngoài giờ với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”, không quản ngày đêm, lễ tết bố trí hàng nghìn lượt cán bộ với nhiều tổ công tác lưu động và cố định, chia ca, tăng giờ làm việc, tranh thủ từng giờ, từng phút đến từng nhà, vận động từng người dân đủ điều kiện đi làm CCCD, kích hoạt định danh điện tử; hỗ trợ phương tiện di chuyển, hỗ trợ chi phí làm CCCD cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, hộ nghèo trên địa bàn… Đó chính là những cơ sở ban đầu, là nền tảng vững chắc nhằm hỗ trợ tối đa người dân có thể tiếp cận được với các tiện ích trên môi trường điện tử.
Cùng với lực lượng Công an, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành thực hiện đủ 14/14 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đã có 49 Sở, Ban ngành; 27 đơn vị cấp huyện và 559 đơn vị cấp xã đã triển khai thực hiện đăng ký nhiều mô hình thí điểm liên quan đến Đề án 06. Trong đó có nhiều mô hình, giải pháp mới được triển khai và đem lại hiệu quả rất thiết thực, như mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VneID. Đây là mô hình điểm cấp tỉnh về thực hiện Đề án 06. Thực tế, mô hình này đã giúp cho người dân khi đến khám chữa bệnh được nhanh chóng, thuận tiện hơn về thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và tránh phiền hà cho công dân.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai nhiều mô hình điểm về Đề án 06 như: Mô hình triển khai dịch vụ công; mô hình tại bộ phận một cửa; mô hình công dân số; mô hình an sinh xã hội; mô hình triển khai phần mềm lưu trú…
Đặc biệt, đến ngày 10/7/2023, tỉnh Thanh Hóa đã chính thức triển khai 2 dịch vụ công liên thông theo đúng tiến độ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Những kết quả này không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ mà còn tạo thói quen cho người dân về thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà. Theo thống kê, việc triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 và Quyết định số 422 của Chính phủ, hàng năm sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 2.500 tỉ đồng.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển”. Cùng với cả nước, những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 của tỉnh Thanh Hóa đã góp phần quan trọng đáp ứng những mục tiêu của Chính phủ về xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế xã hội, phòng, chống tội phạm và phục vụ Nhân dân./.