A- A A+ |

Xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật: Những hệ lụy và bài học cảnh giác. Bài 2: Lộ thủ đoạn mua bán người

Qua tìm hiểu, làm việc với một số bị hại, cũng như đối tượng môi giới, lừa gạt đưa người sang Campuchia lao động trái phép, những dấu hiệu mua - bán người một cách tinh vi dần hé lộ. Thực tế, nhiều nạn nhân bị lừa gạt sang Camphuchia để tìm kiếm công ăn, việc làm chỉ là vỏ bọc cho hành vi mua – bán người và cái kết sau cùng là bị đe dọa tống tiền và đòi tiền chuộc.

 

“Giữ được mạng sống là may lắm rồi”

Sau nhiều lần liên lạc, cuối cùng chúng tôi mới gặp được nạn nhân N.V.B, ở huyện Quảng Xương tại một quán nước. Vẫn chưa hết hoảng sợ, B. yêu cầu không công bố danh tính, hình ảnh của mình vì sợ bị các đối tượng đe dọa trả thù. Theo lời kể của B. em được một người bạn giới thiệu sang Campuchia làm việc với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Sẵn biết chút tiếng Trung và công nghệ thông tin nên em liều thử vận may với hi vọng tìm được công việc làm nhàn hạ, lương cao bên miền đất hứa Campuchia.

Nơi làm việc của những lao động xuất cảnh trái phép bên Campuchia được bảo vệ một cách nghiêm ngặt (ảnh người thân nạn nhân cung cấp)

Thế nhưng không như lời hứa hẹn, vẽ vời của bạn, vừa bước chân vào nơi làm việc bên đất Campuchia, niềm hi vọng của B. đã sụp đổ hoàn toàn: Nơi mà em được đưa đến để làm việc là một khu nhà được bao bọc bởi những bức tường cao chót vót, phía trên giăng thép gai trông như nhà tù; bên trong bảo vệ người Campuchia luôn kè kè súng trong tay, chỉ mới nhìn thôi cũng đã ớn lạnh. Có người nói “Tới đây thì chỉ có đường vào mà không có đường ra” lại càng khiến B. “Hồn bay phách lạc”. 

Biết đã bị lừa nhưng không thể làm gì khác, B. phải nghe theo sự sai khiến, sắp đặt của bọn chúng làm việc trong một sòng bạc trực tuyến. Công việc của B. là hack facebook của những người có độ tương tác cao (đa số là facebook người Việt Nam) rồi bán cho sòng bạc để thực hiện những việc lừa đảo qua mạng. Hoặc chiếm đoạt facebook của những người khác sau đó đổi tên, đổi hình đại diện thành những cô gái trẻ đẹp và tìm kiếm những facebook “tiềm năng” để tư vấn, chào mời họ đánh bạc trực tuyến. Trò mà B. tư vấn  là “tài – xỉu”. Mỗi ngày giới chủ đưa cho B. một list những câu cần tư vấn và buộc B. phải làm theo hướng dẫn của họ. 

Qua một thời gian làm việc, em thấy đa số những người tham gia đánh bạc là những thanh niên trẻ, những người nhàn rỗi, cô đơn… Nói chung đã tham gia chơi là chỉ có thua vì giới chủ đã cài đặt sẵn, họ muốn cho ai thắng thì thắng, cho ai thua thì thua. Ban đầu họ sẽ để cho người chơi ăn với số lượng ít, khi người chơi đã say thì họ sẽ có cách lột sạch tiền của họ - B. nói.  

Thất đức hơn, giới chủ còn ép nhân viên lên mạng lôi kéo thêm nhiều người khác sang Campuchia làm việc cho chúng. Nếu không đủ chỉ tiêu, không tuyển được người sẽ bị chửi bới, đánh đập, rồi bị bán cho công ty khác với giá cao hơn. Để giới chủ tin tưởng, không nghi ngờ, một mặt B. vẫn đăng tin tuyển lao động qua facebook của mình (bị các đối tượng theo dõi, giám sát) với nhiều lời mời chào hấp dẫn được sắp sẵn, nhưng khi có điều kiện thuận lợi B. lại lén nhắn tin qua một tài khoản mạng khác nói rõ thủ đoạn, âm mưu lừa đảo của bọn chúng và khuyên họ không nên sang Campuchia để tránh bị lừa.

Nan nhân B. kể lại sự việc bị lừa bán sang Campuchia

Thấy B. ngoan ngoãn, biết nghe lời và chăm chỉ làm việc, giới chủ đã không nghi ngờ gì nhiều. Lấy lý do bố ốm nặng để xin về quê, nhưng ông chủ buộc B. phải nộp tiền chuộc là 52 triệu đồng mới được về. Không còn cách nào khác, B. đã cầu cứu gia đình vay mượn gửi tiền sang Campuchia nộp cho giới chủ. 

“Hơn 3 tháng làm tại đây, em nhận được 15 triệu đồng tiền công, nhưng phải trả 60 triệu đồng bao gồm 52 triệu đồng tiền chuộc, chi phí xe cộ, sinh hoạt ở công ty. Vẫn còn may mắn là em trở về an toàn, chứ bên công ty em làm có rất nhiều người Việt Nam, họ muốn về cũng không thể về được vì không có tiền chuộc. Thực tế là không có lương cao, không có cuộc sống màu hồng như các đối tượng môi giới vẽ ra mà chỉ có áp lực làm chuyện phi pháp, bị tra tấn, đánh đập nếu không “lừa” được người khác chơi game hoặc dụ dỗ thêm người sang làm việc. Sang đến đây giữ được mạng sống để trở về Việt Nam là may mắn lắm rồi – B. chua chát cho biết thêm.

Lừa bán cả bạn thân

Ngày 14/6/2022, sau khi được giải cứu trở về nước ít ngày, N.V.C (sinh năm 2003) ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn đã đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa tố cáo hành vi mua - bán người của đối tượng Trần Ngọc Chung (sinh năm 2003) ở khu phố Trung Thịnh, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn. 

Trong đơn tố cáo C. cho biết: Tôi và Trần Ngọc Chung chơi thân với nhau từ 7 năm trước. Khoảng tháng 2/2022, khi Chung đang làm việc bên Campuchia có nhắn tin qua massage hỏi thăm tôi về công việc, cuộc sống ở quê thế nào. Là bạn bè thân thích, tôi cũng thật thà nói với Chung là ở quê không có việc làm ổn định. Chỉ đợi có thế, Chung liền rủ tôi sang Campuchia làm cùng với công việc nhàn hạ (chỉ cần gõ máy tính) và mức lương cao (khoảng 500 USD/1 tháng). Chung còn hứa mọi chi phí, thủ tục đi lại như thế nào Chung sẽ lo hết. Đang không có việc làm, lại là bạn thân cùng quê và thấy Chung hứa chắc chắn như vậy nên tôi đã đồng ý sang Campuchia làm việc.

Lá đơn tố cáo của một nạn nhân sau khi được cơ quan chức năng giải cứu về nước 

Đầu tháng 3/2022, Chung gọi điện báo sẽ có người đón và bảo tôi ra một quán Internet ngồi chờ. Tại đây tôi gặp thêm 3 người khác gồm: Trương Như Tùng, Đoàn Văn Khánh, Vũ Như Nam đều ở TP.Sầm Sơn cũng đang chờ để được sang Campuchia làm việc theo sự sắp xếp của Chung. Chơi game đến 2 giờ sáng cả 4 người chúng tôi được 1 xe taxi đến đón và đưa ra bắt xe khách vào TP.Hồ Chí Minh. 

Tại đây có người đón sẵn và đưa chúng tôi xuống Long An giao cho người khác đưa chúng tôi đến khu vực rừng núi bằng xe máy. 4 người chúng tôi và một nhóm khoảng 3 người khác (không biết tên) cũng đang đợi trời tối để các đối tượng tổ chức vượt biên sang Campuchia. Khi trời tối, chúng tôi được 1 người đàn ông dẫn qua rừng sang Campuchia, 4 giờ sáng nhóm chúng tôi được đưa đến công ty nơi Chung làm việc. Tại đây, sau 2 ngày làm quen, chúng tôi được giao máy tính và bắt đầu làm việc. Lúc này Trần Ngọc Chung cũng trở về Việt Nam mà không có một lời từ biệt. 

Một nạn nhân ở TP. Sầm Sơn đến cơ quan điều tra tố cáo hành vi của đối tượng môi giới

Làm được hơn 1 tháng thì trong công ty xảy ra việc một nhân viên bị tử vong, Cảnh sát Campuchia đã đến điều tra sự việc. Khi thấy sự có mặt của lực lượng Cảnh sát, chúng tôi đã kêu gào nhờ sự giúp đỡ của họ. Biết được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Campucia đã có mặt và phối hợp giải cứu chúng tôi. Đến ngày 29/4, chúng tôi được Đại sứ quán Việt Nam giải cứu và đưa qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên để trở về nước. Tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tôi và nhiều người khác bị phạt 4 triệu đồng (hành vi xuất cảnh trái phép) và được đưa về quê. 

Tôi không ngờ Trần Ngọc Chung lại lừa tôi như vậy. Việc nhàn, lương cao không thấy đâu chỉ thấy liên tục bị đe dọa, bị ép buộc làm những việc phi pháp. Hằng ngày chúng tôi phải làm việc từ 13 – 15 tiếng, nếu không chịu làm việc, không đạt chỉ tiêu, hoặc chống đối, không chấp hành thì sẽ bị phạt. Nhẹ thì bị bắt quỳ nhiều giờ liền, nặng thì sẽ bị nhốt vào phòng tối, bị đánh đập, chích điện. Nếu muốn nghỉ việc thì chúng tôi phải nộp tiền chuộc từ 120 đến 150 triệu đồng; còn nếu bỏ trốn, hoặc báo cho Công an thì sẽ bị bắn, bị đánh cho đến chết. Rất may chúng tôi được phát hiện, giải cứu kịp thời, chứ không biết giờ này sẽ ra sao. 

(Còn tiếp)

Bài 3: Nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn


Tác giả: Đình Hợp
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu