Mấy khía cạnh quan tâm khi đọc lại di chúc Bác Hồ
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những điều Bác viết trong Di chúc trước lúc vĩnh biệt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn còn in đậm trong trí nhớ mỗi người Việt Nam yêu nước, thậm chí có người đã thuộc lòng từng trang, từng đoạn.
Có thể nói, đó là lời từ trái tim vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, suốt đời chỉ canh cánh bên lòng điều tâm huyết cháy bỏng: làm cho nước nhà được độc lập, tự do; đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Xét trên bình diện nội dung một văn bản chính trị, thì đó là một công trình tổng kết lý luận - thực tiễn rất sâu sắc về mục đích cách mạng, phương thức tiến hành để đạt được mục tiêu cao đẹp mà cả Đảng và dân tộc đều mong muốn.
Xét trên góc độ tuyên truyền, thì bản Di chúc coi như một “lời hịch” động viên, cổ vũ toàn dân ta đoàn kết lại, chung lòng, chung sức đánh thắng ngoại xâm, xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất, giàu mạnh, hùng cường, góp sức tích cực vào phong trào cách mạng thế giới.
Riêng đối với lực lượng vũ trang, trong đó có Công an nhân dân (CAND), ta không tìm thấy trong Di chúc một câu, một chữ, nhưng tìm hiểu tất cả những bài viết, chỉ thị của Người từ lúc thành lập Đảng, đặc biệt là từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thì chúng ta càng trân trọng tấm lòng, tình cảm của Bác Hồ dành cho Lực lượng CAND thật là sâu nặng. Trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, lúc đó là Giám đốc Công an Khu XII, ngày 11-3-1948, Bác đã nêu 6 nội dung về “Tư cách người Công an cách mệnh”.
Đó là 6 điều căn dặn chí tình, chí nghĩa, vị Cha già dân tộc nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thể thiện tư cách trên sáu bình diện: đối với mình, đối với đồng sự, đối với Chính phủ, đối với nhân dân, đối với công việc và đối với địch (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H. 2009, trang 406).
Trong bài viết này, tôi không phân tích lại nội hàm trong từng lời dạy, mà muốn tập trung đề cập nguồn gốc dẫn đến bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai. Đây là vấn đề quan trọng, mà một số bài viết chưa chú ý, hoặc chỉ đi sâu vào Sáu điều dạy của Bác Hồ - lẽ đương nhiên đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Lực lượng CAND cả về mặt rèn luyện đạo đức và trau dồi nghiệp vụ chuyên môn.
Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh các nội dung đó, chúng ta đã quên đi một khâu quan trọng, hay nói một cách khác, là quên một lời dạy sâu sắc nữa của Bác Hồ: làm thế nào để 6 điều căn cốt ấy thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ? Đọc kỹ, ta thấy rõ đoạn đầu và đoạn cuối bức thư, Bác Hồ đã căn dặn rành mạch cách tuyên truyền, giáo dục để đạt 6 điều tư cách người Công an cách mạng.
Mở đầu thư, Bác viết: “Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác”. Đọc xong số báo, “Bác thấy có sự cố gắng đáng hoan nghênh”.
Nhưng Bác lưu ý: số lượng trang (từ 24 đến 32 trang) là dài quá, cho nên, “cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực, mọi người đều có thể hiểu được, làm được”. Bác nhấn mạnh: “trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhân dân nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ, và dựa vào nhân dân mà làm việc”.
Đồng thời với nhiệm vụ đó, “tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức”. Chính từ cách đặt vấn đề vừa khoa học, vừa thực tiễn ấy, Bác chỉ ra sáu nội hàm của “Tư cách người Công an cách mệnh”, mà đã có rất nhiều bài viết phân tích kỹ càng và có độ sâu.
Như vậy, đoạn đầu và đoạn cuối bức thư, Bác Hồ đã căn dặn một điều căn cốt: nội dung có quan trọng và cần thiết đến đâu, nhưng nếu không có cách tuyên truyền, giáo dục thiết thực thì “chủ trương” mới chỉ nằm trên giấy!
Vì vậy, Bác dặn: “Những điều đó (6 điều về tư cách) chẳng những luôn luôn nêu trên báo, mà lại viết nên thành ca dao cho mọi người công an học thuộc, nên viết thành những khẩu hiệu dán tại những nơi các anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ, v.v…) (Sđd, trang 407). Thiết nghĩ, lời dạy bình dị, dễ hiểu này, đã và vẫn có giá trị thời sự với những người làm công tác chính trị, công tác báo chí, truyền thông trong CAND chúng ta hôm nay và mai sau.
Trong phần tiếp theo, tôi muốn nêu thêm vài khía cạnh nữa khi đọc kỹ từng đoạn trong Di chúc. Một trong những điều Bác căn dặn đầu tiên là “Trước hết nói về Đảng”. Khẳng định những thành tựu lớn lao của Đảng từ ngày thành lập, Bác chỉ rõ nguyên nhân hàng đầu là nhờ Đảng ta “đoàn kết chặt chẽ”, đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết với nhân dân và đoàn kết quốc tế.
Vì vậy, không ngẫu nhiên, trong số lượng chữ có hạn của bản Di chúc, Bác 7 lần nhắc chữ đoàn kết và nhấn mạnh rằng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Đây là sự tổng kết sâu sắc trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng trên cương vị là lãnh tụ cao nhất từ ngày lập Đảng đến lúc đi xa, với bao trải nghiệm từ khi Đảng mới có 5.000 đảng viên đã tiến hành tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, cho đến khi giành chính quyền về tay, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, khi thuận lợi, lúc khó khăn; có thời kỳ mắc sai lầm, vấp váp. Vì thế, một “phương thuốc kỳ diệu” là “Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Nhưng theo Bác, “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, Đảng là “con nòi của dân tộc”, nhưng lại là công bộc, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Vì vậy, “mỗi cán bộ và đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Từ Chỉ thị 03 được ban hành trước đó, đến Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (năm 2016) về “Tiếp tục học và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tiếp đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa XI, XII ra Nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trên thực chất là cụ thể hóa lời Bác căn dặn trong Di chúc từ năm 1969.
Các tầng lớp nhân dân đồng tình và hoan nghênh sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới: “Xây thường xuyên, chống quyết liệt” với phương châm “đánh chuột không vỡ bình”, “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, “xử lý nghiêm túc và nhân văn”…
Đến nay đã có hơn 60 cán bộ cao cấp (cả đương chức và về hưu) đã bị nhận kỷ luật ở các mức khác nhau, trong đó có cả 9 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương (một Ủy viên Bộ Chính trị). Mới đây, tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về chủ đề này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thực tiễn ấy đã lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng; và, việc đoàn kết trong nội bộ Đảng dần được tăng cường; quan hệ giữa dân và Đảng thêm gắn bó. Đó chính là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển (năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt 7,08% - vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra).
Nhưng đoàn kết trên cơ sở nào? Trong Di chúc, Bác Hồ chỉ rõ: “nhờ một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” cho nên Đảng ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Như vậy, đoàn kết được hình thành từ ba nhân tố quan trọng: phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Do đó, nếu mỗi cán bộ, đảng viên chỉ tìm cách vun đắp lợi ích riêng, coi nhẹ hoặc quay lưng lại lợi ích chung thì lập tức nội bộ nảy sinh sự thiếu thống nhất về chủ trương, chính sách; mà một khi tình trạng đó kéo dài, thì dẫn đến hiện tượng mất đoàn kết.
Thực tiễn chỉ ra rằng, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra mất đoàn kết chủ yếu là do chủ nghĩa cá nhân, là sự “kéo bè kéo cánh” của các “nhóm lợi ích” về kinh tế, về cán bộ… Do đó, trong Di chúc, Bác lưu ý, chỉ có thể khắc phục chủ nghĩa cá nhân khi “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã cụ thể hóa lời dạy của Bác, nêu rõ 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII lại ra Nghị quyết về trách nhiệm nêu gương, trước hết là người đứng đầu, trong đó là các Ủy viên Trung ương, Ban Bí thư và Bộ Chính trị. Đây là chủ trương đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, được nhân dân hoan nghênh và kỳ vọng…
Sau phần căn dặn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng các thế hệ thanh niên thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên”, Bác nói về “nhân dân lao động”. Từ đây đến cuối Di chúc, có 14 lần Bác nhắc chữ nhân dân.
Là nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất, Bác thấm sâu truyền thống “lấy dân làm gốc” của các vị vua anh minh, nhân hậu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mà người Anh hùng Nguyễn Trãi đã tổng kết “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Bác đề cao phẩm chất cao đẹp của nhân dân ta: “rất anh hùng, rất dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.
Nhưng với Bác, để thể hiện lòng yêu kính, biết ơn nhân dân, không thể là lời nói suông, dùng những tính từ hoa mĩ, mà phải thật sự hành động, chăm lo cả về vật chất và tinh thần, “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, H. 2009, các trang từ 509 đến 512.), để “cây đại thụ nhân dân” sâu rễ, bền gốc.
Trong phần viết bổ sung Di chúc vào tháng 5-1969, Bác đề nghị: sau khi kết thúc chiến tranh, Nhà nước nên miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân. Trước đó, trong một bài viết, Bác đã biểu dương kinh nghiệm của Quảng Bình dựa vào nhân dân để thực hiện chiến tranh nhân dân, khơi gợi sức mạnh của mọi người dân để góp sức “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đã không ít lần, Bác căn dặn các cơ quan, đơn vị, địa phương: “việc gì có lợi cho dân dù nhỏ nên cố gắng làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng hết sức tránh”. Bác viết câu ca dao có tính chất triết lý sâu xa: “Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Đến đây, tôi càng hiểu vì sao năm 1950, các đồng chí lãnh đạo quân đội nhân dân xuất bản tờ nhật báo khổ rộng, xin ý kiến Bác đặt tên báo, Bác nói ngay: Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vậy nên đặt tên báo là báo Quân đội nhân dân. Sau này, nhiều đồng chí mới thấm thía vì sao Bác đề nghị Ủy ban các cấp đều mang tên là Ủy ban nhân dân; nhiều tờ báo mang tên nhân dân, như Công an nhân dân, Người đại biểu nhân dân v.v… Riêng Báo Nhân Dân, theo măng sét mới từ năm 1997, có thêm dòng thứ hai là: “Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”.
Và một điều tưởng là nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất thiêng liêng, đó là khi Quốc hội khóa XIII thảo luận thông qua Hiến pháp 2013 (sửa đổi và bổ sung) đã nhất trí viết hoa chữ Nhân Dân trong đạo luật gốc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
Vậy là, toàn bộ tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ được thể hiện sâu sắc qua Di chúc, trong đó tư tưởng lấy dân làm gốc, đã, đang và mãi mãi soi sáng con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phấn đấu sánh vai với các cường quốc năm châu - như tâm nguyện của Người từ trước lúc đi xa!