Lãnh đạo CPSU sợ Ủy ban Kiểm tra TW hơn KGB

Mikhail Solomentsev được xem là người ủng hộ chiến dịch chống rượu vào những năm 1980. Các nhà lãnh đạo không sợ ông chuốc rượu vì bản thân ông chưa bao giờ lạm dụng rượu và ép người khác làm vậy, nhưng trong những năm đó, ông đứng đầu một ủy ban gieo rắc nỗi sợ hãi hơn nhiều so với KGB.

Chuyên gia, đảng viên và “kẻ dẹp loạn”

Mikhail Sergeevich Solomentsev sinh năm 1913 tại một trong những làng quê ở tỉnh Oryol. Từ nhỏ, Mikhail muốn trở thành một thủy thủ, nhưng tình trạng sức khỏe không cho phép ông thực hiện ước mơ này. Như V.V. Alekseev viết trong cuốn “Xã hội và quyền lực”, sau khi tốt nghiệp xuất sắc Đại học Bách khoa Leningrad, Solomentsev được điều về nhà máy Lipetsk số 61, trong những năm đó chuyên sản xuất vỏ đạn, phục vụ quốc phòng.

Mikhail Sergeevich Solomentsev - Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra thuộc Ủy ban Trung ương Đảng CPSU - 
vẫn tiếc nuối Liên Xô đến những năm tháng cuối cùng của đời mình (1983-1988). Nguồn: russian7.ru

 

Khi Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại nổ ra, chuyên gia công nghiệp quốc phòng không được phép ra mặt trận, cùng với nhà máy, Solomentsev đã được sơ tán đến Urals. Sau chiến tranh, Mikhail Solomentsev được điều đến Chelyabinsk, làm Giám đốc Nhà máy máy công cụ mang tên S. Ordzhonikidze, đồng thời đảm nhận công tác đảng. Mikhail Sergeevich trở nên nổi tiếng là một nhà lãnh đạo biết hòa đồng với mọi người.
Không phải ngẫu nhiên mà Nikita Khrushchev bổ nhiệm ông vào vị trí Bí thư thứ Nhất khu vực Karaganda. Thực tế là vào năm 1959, như Leonid Mlechin viết trong cuốn “Brezhnev” của mình, các công nhân của nhà máy luyện kim Karaganda đã từ chối đi ca vì điều kiện làm việc kém. Solomentsev được cử đến để dàn xếp vụ đình công tại nhà máy và lập lại trật tự thành phố. Năm 1964, ông được điều đến Rostov, nơi xảy ra tình huống hỗn loạn sau vụ hành quyết Novocherkassk nổi tiếng.
Đứng đầu ủy ban đáng gờm
Năm 1966, Mikhail Solomentsev được chuyển đến Moscow, đảm nhận một số chức vụ, và năm 1971 Leonid Brezhnev đã bổ nhiệm ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Nga (RSFSR). Valentin Aleksandrov, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng RSFSR, cho biết, khi Brezhnev bổ nhiệm Solomentsev vào vị trí người đứng đầu chính phủ Nga, trong một cuộc trò chuyện cá nhân, ông đã nói, “chúng ta không có một Đảng cộng sản của riêng Liên bang Nga, chỉ có đảng của cả toàn Liên bang Xô viết - CPSU, và tôi, với tư cách là Tổng Bí thư, cũng là người đứng đầu các tổ chức đảng của Nga, tôi cử đồng chí làm cấp phó của tôi ở Liên bang Nga”.
Mikhail Sergeevich không mất ảnh hưởng của mình dưới thời Yuri Andropov; ông đứng đầu Ủy ban Kiểm tra (CPC) thuộc Ủy ban Trung ương Đảng CPSU (1983-1988) và trở thành Ủy viên Bộ Chính trị. CPC được thành lập để kiểm tra việc chấp hành kỷ luật đảng của các đảng viên và các ứng cử viên của CPSU, đưa ra xét xử những người cộng sản vi phạm Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, kỷ luật đảng và nhà nước, cũng như những người vi phạm đạo đức. Ông vẫn giữ được ảnh hưởng ngay cả khi Gorbachev bắt đầu lãnh đạo.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Leonid Mlechin tin rằng các lãnh đạo trong đảng sợ CPC hơn KGB. Họ cũng run sợ trước người đứng đầu ủy ban, Mikhail Solomentsev. Theo Yuri Prokofiev, tác giả của cuốn sách “Đảng bị giết chết như thế nào”, Solomentsev, là một trong những người khởi xướng chiến dịch chống rượu, cùng với các đồng nghiệp của mình đã tìm ra những khu vực bán đồ uống có cồn nhiều nhất để “trảm” các Bí thư huyện ủy.
Chiến dịch chống rượu này được đặt tên là Gorbachev - theo tên của nhà lãnh đạo mới của Liên Xô, Mikhail Gorbachev. Việc kỷ luật cán bộ lãnh đạo đã dẫn đến thực tế là một số bí thư đã cấm hoàn toàn việc bán rượu trong địa bàn của họ, và mọi người đổ sang các khu vực lân cận để mua, vì vậy, các vấn đề khác lại phát sinh và gia tăng.
Tên của Solomentsev thường nổi lên trong quá trình điều tra “vụ án bông” ở Uzbekistan. Cùng với Ligachev, ông bị buộc tội tham nhũng và bảo trợ cho mafia đảng-nhà nước ở Uzbekistan, nhưng những cáo buộc này không được chính thức xác nhận. Theo Oleg Sultanov, “về quan điểm nhà nước, Solomentsev gần với A. Kosygin (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô), tức là cố gắng đứng ngoài chính trị, làm mọi cách để loại bỏ những khó khăn kinh tế trong quá trình phát triển Cộng hòa Liên bang Nga”.
Hoài niệm Liên Xô
Như nhà sử học Felix Medvedev đề cập đến trong cuốn “Những ông già vĩ đại của tôi”, do Mikhail Solomentsev có cơ hội trở thành đồng minh của 5 vị Tổng Bí thư CPSU, mọi người đã nói trò đùa rằng nguyên tố thứ 101 “politburite” xuất hiện trong bảng tuần hoàn, và người tạo ra nó là Solomentsev. Đáng chú ý là trả lời phỏng vấn của Medvedev, Solomentsev thừa nhận rằng, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Đảng, ông tham gia nhiều hơn vào những việc nhỏ - xoa dịu những người say xỉn và hòa giải những đôi vợ chồng hay cãi vã nhau.
Có lẽ chính vì chiến dịch chống rượu khét tiếng mà Mikhail Solomentsev đã không thể không liên đới cùng với Gorbachev. Vào năm 1988, khi Solomentsev được nghỉ hưu, khi ông đã ngoài bảy mươi. Ông qua đời năm 2008, ở tuổi 94. Trong sự nghiệp của mình, Solomentsev đã 2 lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa, 5 Huân chương Lenin, Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất, 2 Huân chương Lao động Đỏ, Huân chương Sao Đỏ...
Cho đến những ngày của cuối cùng của đời mình, Solomentsev vẫn nuối tiếc Liên bang Xô viết. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2004, ông cho biết, ông bỏ phiếu cho những người cộng sản. Trong hồi ký của mình “Làm sạch Bộ Chính trị. Gorbachev loại bỏ “kẻ thù của Perestroika” như thế nào”, ông gọi Liên Xô là một cường quốc, là nước đầu tiên trên thế giới hình thành một hệ thống chính trị - xã hội duy nhất về mặt xã hội bảo vệ người dân. Solomentsev cũng lấy làm tiếc về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản 19 triệu người mà ông đã cống hiến rất nhiều năm của cuộc đời mình./.
CTV Lê Ngọc/VOV.VN (biên dịch)
Theo Russian7
Tác giả: Theo VOV.VN
Nguồn: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/lanh-dao-cpsu-so-uy-ban-kiem-tra-tw-hon-kgb-875579.vov
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu