A- A A+ |

Giá trị thời đại tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ra đời cách đây 50 năm (3-2-1969), tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Bác Hồ vẫn mang tính thời sự sâu sắc. Dù rất ngắn gọn (684 từ), nhưng tác phẩm là bản tổng kết thực tiễn, hàm chứa tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Nhìn từ góc độ thực tiễn, suốt 50 năm qua, tác phẩm đã khẳng định những giá trị to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

I - Lời di huấn sâu sắc và sự lan tỏa các gương điển hình làm theo Bác

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là đạo đức cách mạng và việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người quan niệm, đạo đức là gốc của người cách mạng: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(1).

Theo Người, đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, dù ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, nhiệm vụ khó khăn đến mức nào cũng phải quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng; không sợ khó, không sợ khổ, một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân.

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân - đó là tư tưởng và cũng là lời dặn dò tâm huyết nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện di huấn của Người, trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, đã có rất nhiều gương cán bộ, đảng viên anh dũng, cần cù, sáng tạo, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và làm nên những thắng lợi rất vẻ vang.

Kể từ khi Đảng ta tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (năm 2006), đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, ngành, địa phương.

Năm 2016, nhân tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát hành cuốn sách: “Những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác Hồ”, giới thiệu 168 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ở mỗi địa phương, mỗi ngành, trên các lĩnh vực khác nhau, đều xuất hiện những gương điển hình tiên tiến noi gương Bác Hồ.

Đó là những tấm gương mẫu mực về tinh thần tự lực cánh sinh, vượt khó vươn lên, không đầu hàng số phận; là những con người năng động, sáng tạo, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; là những người luôn sống vì mọi người, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”...

Tiêu biểu trong số đó, là tấm gương cụ Nguyễn Tấn (91 tuổi) ở xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, với hình ảnh quen thuộc suốt 55 năm cầm cuốc, xẻng... dọn dẹp, vá lại những đoạn đường bị hư hỏng ở địa phương.

Đó là bác sĩ Đoàn Văn Hoan, Khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, người có hơn 40 năm nặng lòng với người bệnh về máu, hay tấm gương ông Lê Văn Hòa, xã Định Hóa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, người thương binh không đầu hàng số phận. Đó là cô giáo Nông Thị Túy Vân, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lan thuộc phường 4, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, một con người luôn tâm huyết, có lòng yêu nghề, thương yêu trẻ nhỏ, hết lòng chăm lo cho thế hệ trẻ.

Hay người cựu chiến binh Nguyễn Đắc Hội, xã Hương Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, một tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới” ở địa phương, ông không chỉ tích cực vận động bà con tham gia, mà còn tự nguyện hiến tặng 200m2 đất ở của gia đình để mở rộng đường giao thông nông thôn...

Ngày 15-5-2018, Thành ủy Hồ Chí Minh tổ chức Lễ biểu dương 397 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 – 2018.

Tiêu biểu là cô Đinh Thị Kim Phấn, một nhà giáo hưu trí đã có hơn 10 năm gắn bó với công việc dạy chữ cho các cháu mắc bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh. Đó là chị Trần Thị Phương Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định, một tấm gương về sự tận tâm, hết lòng thương yêu những người mắc bệnh tâm thần.

Ở một nơi không bao giờ có phong bì phong bao, nơi bệnh nhân lúc tỉnh lúc mê, nơi mà các y, bác sĩ như chị Thúy hiếm khi nhận được một lời cảm ơn như những người thầy thuốc ở nơi khác. Thế nhưng, hơn 10 năm nay, chị Trần Thị Phương Thúy vẫn gắn bó với công việc này...

Trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm, cán bộ, chiến sĩ CAND luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc”(2).

Trong thời gian qua đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ CAND thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, dũng cảm chiến đấu chống tội phạm, xả thân trong “giặc lửa”, trầm mình trong “giặc lũ” để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong hơn 5 năm qua, toàn lực lượng CAND  đã có 47 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 1.376 cán bộ, chiến sĩ bị thương trên trận tuyến bảo vệ an ninh, trật tự.

Đó là Đại tá Hà Thái Yểm, Công an tỉnh Hòa Bình dũng cảm hy sinh trong chiến đấu với tội phạm ma túy; Thượng úy Lưu Minh Đức, Công an huyện Yên Minh (Hà Giang) hy sinh khi đang truy bắt tội phạm; Thượng sĩ Bùi Minh Quý, Công an tỉnh Gia Lai hy sinh trong khi lao vào dòng nước lũ để cứu người... Hay gương chiến đấu dũng cảm của Trung uý Trần Ngọc Thắng, cán bộ Công an thành phố Nam Định, bị đối tượng chém đứt lìa bàn tay trái nhưng vẫn quyết tâm truy bắt tội phạm đến cùng...

Tại buổi giao lưu điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tối 23-8-2018 tại Hà Nội, chúng ta đã được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về những việc làm bình dị mà cao quý; về ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn; về ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân...

Trong số các đại biểu tham gia giao lưu, mọi người hết sức khâm phục tấm gương bác sĩ quân y hưu trí Nguyễn Hữu Bẩm, thôn Tân Trung, xã Trung Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Thấy bà con mình còn nghèo, nhiều người mắc bệnh mà không có tiền chữa trị, ông đã quyết định mở phòng khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người bệnh. Suốt 25 năm, ông tận tụy với công việc chữa bệnh cứu người mà chẳng bao giờ nhận tiền công.

Trong số những người bệnh được ông cứu giúp, đã có người mang hoa quả, gạo nếp... gọi là chút quà quê đến biếu ông, ông đều nhận rồi xin gửi lại để họ dưỡng bệnh. Ông tâm sự: “Người bác sĩ, điều quan trọng nhất là chữa được bệnh cho người”...

Mới đây, báo chí có nêu một câu chuyện về vợ chồng bà Đặng Thị Vang làm nghề bán hàng nước, sửa xe trên đèo Hải Vân, đã 30 năm làm công việc cứu người trên cung đường “Đệ nhất hùng quan”.

Nhiều trường hợp, bà mang cả số tiền hai vợ chồng chắt chiu được cả năm trời để nộp viện phí giúp người bị nạn, mà chẳng mảy may suy nghĩ, liệu mình có nhận lại được số tiền đó không. Và còn biết bao gương điển hình tiên tiến khác ở mọi miền Tổ quốc trong học tập và làm theo Bác về đạo đức cách mạng.

Những tấm gương người tốt, việc tốt đó ngày càng nở rộ và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần khơi dậy tính tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Họ là những người đã làm được điều mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tâm nguyện: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. (còn nữa)


Nguồn: conganthanhhoa.vn
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu