A- A A+ |

55 năm, một bản anh hùng ca vang mãi

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ và chiến công đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 của Hải quân nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, là sự kiện tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam...

Chú thích ảnh
Lực lượng hải quân bảo vệ quần đảo Trường Sa được trang bị phương tiện tuần tra hiện đại, luôn đề cao cảnh giác, tuần tra theo dõi,
nắm chắc tình hình trên biển, dự báo đúng tình hình để có kế hoạch và chủ động ứng phó với mọi diễn biến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

 

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân chia sẻ: Trước nguy cơ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng việc tăng cường sử dụng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Sau khi Hải quân đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc ra khỏi vùng biển nước ta, đế quốc Mỹ dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” nhằm tạo cớ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đế quốc Mỹ sử dụng hàng trăm lượt máy bay tấn công hầu hết các căn cứ của Hải quân ta dọc ven biển từ Hòn Gai (Quảng Ninh) đến sông Gianh (Quảng Bình). Trong cuộc đụng đầu lịch sử đó, dù lực lượng và trang bị còn hạn chế nhưng Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng, anh dũng chiến đấu, lập nên chiến thắng trận đầu rất vẻ vang ngày 2 và 5/8/1964.

Chú thích ảnh
Lực lượng hải quân đánh bộ bảo vệ đảo Trường Sa thường xuyên nâng cao cảnh giác, ngày đêm tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

 

Theo Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, có nhiều yếu tố làm nên chiến thắng trận đầu nhưng yếu tố quan trọng nhất là sức mạnh chính trị tinh thần của Hải quân nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao là tư tưởng, ý chí của một dân tộc nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục sự áp đặt, xâm lược của kẻ thù; đoàn kết một lòng, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ địch mạnh hơn ta nhiều lần. 

Chú thích ảnh
Hệ thống Cụm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật (gọi tắt là nhà giàn DK1) được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam từ năm 1989 đến 1998
và do lực lượng Hải quân quản lý, là "Cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển", Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

 

Bên cạnh đó là tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu; thuần thục chiến thuật, chấp hành nghiêm mệnh lệnh và kỷ luật của chiến trường; làm tốt công tác hiệp đồng giữa lực lượng Hải quân và các lực lượng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo lưới lửa phòng không nhân dân vững chắc, liên hoàn...

Những hy sinh lặng thầm

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững cho rằng, hình ảnh ba con tàu phóng lôi nhỏ bé, dũng cảm lao thẳng vào tàu khu trục Ma đốc trong sự chống trả quyết liệt từ hỏa lực (tàu và máy bay) của địch; hình ảnh thuyền trưởng Lê Văn Tiếu bị thương gần đứt lìa cả cánh tay vẫn bình tĩnh chỉ huy toàn tàu đánh trả máy bay địch; hay binh nhì Nguyễn Văn Vinh chưa đầy một tuổi quân dù bị thương nặng, được lệnh rời tàu nhưng vẫn đề nghị thuyền trưởng cho ở lại chiến đấu với câu nói “Thuyền trưởng hãy để tôi ở lại, tàu còn thì tôi còn”; pháo thủ Đặng Đình Lống bị thương ở chân đã dùng đai cột chân mình vào bệ pháo để chiến đấu tới hơi thở cuối cùng... là những minh chứng sinh động, cụ thể về sự anh dũng, dám đánh, quyết đánh của Hải quân nhân dân Việt Nam. 

Chú thích ảnh
Chiến sỹ đảo Nam Yết huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Hồng Thụ/TTXVN

 

Cựu chiến binh Nguyễn Sĩ Tiến, thương binh hạng 4/4, nguyên chiến sĩ pháo thủ Tàu 124, Phân đội tàu tuần tiễu thuộc Khu tuần phòng 1 hiện đang ở phường Phương Nam, Uông Bí, Quảng Ninh. Ông và đồng đội tham gia trận đánh ngày 5/8 trên khu vực biển Hạ Long. Mỗi khi nhắc về đồng đội và tập thể Tàu 124, ông luôn khẳng định cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng, kiên cường. Dưới làn đạn dày đặc của quân thù, dù biết hy sinh nhưng không một ai rời trận tuyến.

Chú thích ảnh
Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để đảm bảo sức khỏe, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

 

Không thể kể hết những tấm gương quả cảm hy sinh, thể hiện sáng ngời tinh thần chiến đấu anh dũng, đỉnh cao của nhân tố chính trị tinh thần, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sĩ Hải quân”, khắc ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc, của Quân đội và Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam.  

Bản anh hùng ca vang mãi

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ và chiến công đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 đã nhân lên niềm tự hào về các thế hệ cha anh đi trước, tự hào về một Quân chủng Hải quân anh hùng. Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững cho rằng, những bài học kinh nghiệm về trận đầu đánh thắng đã được Quân chủng vận dụng sáng tạo trong tiến trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại". 

Chú thích ảnh
Đặc công hải quân huấn luyện sát thực tế chiến trường, vừa huấn luyện, vừa kiểm nghiệm, bổ sung phương án tác chiến. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

 

Theo đó, Quân chủng Hải quân luôn chú trọng xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh kiểu mới, công nghệ cao trên hướng biển của đối phương, nhất là xây dựng ý chí quyết tâm mà tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt là “dám đánh, quyết đánh và biết cách đánh thắng” dù kẻ thù là ai, mạnh như thế nào. Ngoài ra, thường xuyên nắm chắc tình hình, xử trí đúng đối sách, có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; vừa kiên quyết, kiên trì, vừa khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình trên biển.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sỹ tuần tra trên đảo Đá Tây. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

 

Trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực quân sự, Quân chủng Hải quân tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ khoa học kỹ thuật, công nghệ, trọng tâm là nghiên cứu làm chủ vũ khí thiết bị mới hiện đại đi đôi với bảo quản, bảo dưỡng, hiện đại hóa trang bị cũ, nâng cao khả năng tự chủ trong bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm trang bị, giảm lệ thuộc vào đối tác nước ngoài. Quân chủng tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tiếp nhận vũ khí thiết bị, đào tạo chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm với hải quân các nước tiên tiến.

Chú thích ảnh
Hải quân đánh bộ - lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ luôn phát huy truyền thống anh hùng, ngày đêm luyện tập, sử dụng thành thạo nhiều loại trang bị, vũ khí mới,
nâng cao sức mạnh chiến đấu và hiệp đồng, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

 

Cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, Khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương về vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân”; xây dựng Đảng bộ Quân chủng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.


Tác giả: Thái Thanh
Nguồn: Theo Baotintuc
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu