Cần ngăn ngừa tai nạn thảm khốc

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong quý I vừa qua, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết hơn 1.900 người, bị thương 3.141 người, giảm cả ba tiêu chí so quý I năm 2018. Tuy nhiên, cùng thời gian này, trên phạm vi cả nước, đã để xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc, làm chết nhiều người, khiến dư luận xã hội cảm thấy bất an.

Tai nạn kinh hoàng

Sáng sớm 27-3 vừa qua, tại ngã tư giao giữa quốc lộ 2C với tuyến đường đi Mả Lọ, thuộc địa bàn xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), ô-tô khách BKS 27B -003.43 do lái xe Phan Thanh Phú (sinh năm 1976, trú tại thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) điều khiển, đã lao thẳng vào đoàn người đưa đám tang khiến bảy người chết, ba người bị thương. Đây là vụ TNGT làm chết nhiều người thứ ba chỉ trong vài tháng qua, sau các vụ ở Long An và Hải Dương. Qua xác minh ban đầu, xe khách của Công ty TNHH Long Giang (tỉnh Điện Biên) đi từ Điện Biên về Vĩnh Phúc, tuy nhiên không tuân thủ tốc độ và vi phạm về quy định luồng tuyến đã đăng ký. Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, qua điều tra, nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này được xác định do sương mù dày đặc, hạn chế tầm nhìn và lái xe không chú ý quan sát cho nên đã tông vào đoàn người. Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã triệu tập lái xe để kiểm tra nồng độ cồn và chất kích thích, tuy nhiên kết quả xác định lái xe không sử dụng rượu bia và chất ma túy. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe khách BKS 27B-003.43 được kiểm định lần gần nhất ngày 7-12-2018, có hạn đến hết ngày 6-6-2019 tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2701S (Điện Biên).

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ TNGT, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn với gia đình các nạn nhân và yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương tổ chức khám sức khỏe cho toàn bộ lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, loại khỏi đội ngũ những lái xe dương tính với ma túy; tiếp tục rà soát, phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác định và xử lý toàn bộ các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương trên địa bàn. Một người dân trong xã Trung Nguyên cho biết, cách ngã tư khoảng 10 m có một ngã rẽ đi Mả Lọ, do đó người dân ở đây vẫn gọi đây là ngã năm. Vị trí này giao cắt với quốc lộ 2C, hằng ngày có khá nhiều phương tiện xe tải, xe khách lưu thông, trong khi đây lại là khu vực đông dân cư, gần trụ sở UBND xã Trung Nguyên và các trường học, vì thế mật độ giao thông rất cao. Tại vị trí này, từng xảy ra một số vụ va chạm, TNGT, gây nhiều thiệt hại về người. Tuy nhiên, ở đây lại không có đèn tín hiệu giao thông hay bất cứ biển báo giảm tốc độ, gờ giảm tốc nào, khiến người dân hết sức lo lắng. Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Văn Hoan, sau vụ TNGT, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban ATGT quốc gia và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã họp bàn về vấn đề này. Theo đó, yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương rà soát vị trí tai nạn xem xét cần bổ sung những trang, thiết bị để bảo đảm ATGT như đèn tín hiệu, biển báo,... từ đó nhanh chóng khắc phục điểm đen nguy hiểm.

Siết chặt đào tạo, nâng cao đạo đức lái xe

Trong thời gian qua, đáp ứng nhu cầu của người dân, các trung tâm đào tạo lái xe mọc lên khắp nơi. Trên mạng in-tơ-nét xuất hiện hàng loạt thông tin quảng cáo về dịch vụ học lái xe giá rẻ, bảo đảm đỗ 100%,... Thậm chí, nhiều người còn truyền tai nhau những cách “chống trượt” trong kỳ sát hạch để có được tấm bằng lái, vì thế, kỹ năng điều khiển phương tiện thực tế đã không được coi trọng đúng mức. Tại Hà Nội, Sở Giao thông vận tải đã phát hiện tới 48 văn phòng, cơ sở đào tạo lái xe trái phép, kiến nghị các cơ quan chức năng phối hợp xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Ngoài quản lý khâu đào tạo, vấn đề quan trọng hơn là phải siết chặt khâu sát hạch lái xe nhằm hạn chế tình trạng học ẩu, lái bừa. Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, thời gian tới, Tổng cục sẽ yêu cầu các trung tâm sát hạch phải lắp đặt hệ thống ca-mê-ra chặt chẽ hơn và truyền dữ liệu các kỳ thi thẳng về Tổng cục để tăng cường giám sát, minh bạch. 

Về một số giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây, Vụ trưởng ATGT (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Văn Thạch cho hay, khâu quản lý lái xe là trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải. Mỗi doanh nghiệp phải có bộ phận quản lý an toàn, trên xe gắn thiết bị giám sát hành trình, phương tiện phải được quản lý chặt chẽ về luồng tuyến, cũng như tốc độ, thời gian dừng nghỉ, điều độ lịch trình và thời gian làm việc của lái xe. Phía cơ quan chức năng nhà nước đang cập nhật, đưa lên mạng quản lý lái xe kinh doanh vận tải, với đầy đủ thông tin số bằng lái, các lần vi phạm, nếu vi phạm bị thải hồi, đơn vị khác sẽ biết thông tin để cân nhắc việc tuyển dụng. Ngoài ra, Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất áp dụng hình thức có chứng chỉ đối với lái xe kinh doanh vận tải giống như luật sư, không phải cứ ai học qua đào tạo lái xe, có bằng lái là nghiễm nhiên được lái xe vận tải. Đồng thời, lái xe phải có đủ điều kiện về sức khỏe, không nghiện ma túy, có lý lịch tư pháp tốt, không vi phạm pháp luật. Bộ Bộ Giao thông vận tải đã siết chặt chất lượng khâu đào tạo, sát hạch, nếu phát hiện cơ sở đào tạo vi phạm, tùy mức độ có thể thu hồi vĩnh viễn giấy phép để bảo đảm tính răn đe.

Tuy nhiên, bài toán về chất lượng của các cơ sở, trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập từ khâu đào tạo, sát hạch đến việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp của người lái xe. Nhiều trung tâm đào tạo không đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, công tác tuyển sinh thiếu chặt chẽ, tùy tiện, nhiều hồ sơ không có giấy khám sức khỏe, chưa kể có những “đường dây” cấp giấy khám sức khỏe cho cả người khuyết tật, chất lượng giáo viên giảng dạy thấp, cấp bằng không nghiêm túc,… Nếu công tác đào tạo, sát hạch bị buông lỏng, chắc chắn chất lượng lái xe đi xuống, ảnh hưởng lớn tới ATGT. Vì thế, các cơ quan quản lý cần có biện pháp kiên quyết chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe. Trong chương trình đào tạo, cần xem xét, bổ sung các tình huống và kỹ năng nhận diện tình huống, kể cả đối với giáo viên; rà soát lại nội dung đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành phù hợp thực tế.

Theo phản ánh của nhiều giáo viên dạy lái xe tại TP Hồ Chí Minh, trong số gần 70 cơ sở đào tạo trên địa bàn, có không ít cơ sở chỉ hợp thức hồ sơ, hạch toán khống chi phí đào tạo, còn dạy rất qua loa, chỉ luyện tập nhằm thi đỗ chứ không rèn luyện kỹ năng, thao tác lái thực tế. Thậm chí, có nghi vấn về tình trạng sát hạch viên khi đi chấm thi đã phối hợp với cơ sở đào tạo để hỗ trợ người dự thi đỗ lý thuyết và "chống trượt" đường trường,...

Nguồn: conganthanhhoa.vn
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu