Nhớ mãi 3 người lính cứu hỏa đã xả thân cứu người...

Đối với các phóng viên theo dõi khối nội chính chúng tôi, các chiến sĩ Cảnh sát PCCC là những người bạn đặc biệt. Không chỉ gần gũi, thân thiện, họ  chính là những cộng tác viên cung cấp thông tin về các vụ cháy cho phóng viên nhanh nhất, đôi khi còn giúp chúng tôi những hình ảnh trực tiếp từ hiện trường bởi phóng viên chỉ tác nghiệp được ở vòng ngoài, chỉ có những người lính cứu hỏa mới có thể tiếp cận hiện trường ở vòng sâu nhất.

Thế nên chiều 1/8, khi nghe tin có 3 người lính cứu hỏa đã hy sinh khi chữa cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy, anh chị em phóng viên nội chính chúng tôi đều chung tâm trạng sửng sốt, bàng hoàng. Một mất mát, đau thương quá lớn đối với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Thủ đô nói riêng và lực lượng CAND nói chung. Nhất là trong những ngày tháng Tám lịch sử, khi chuẩn bị kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam. Chúng tôi cuống cuồng điện thoại cho nhau để hỏi danh tính về 3 người lính cứu hỏa ấy, xem có phải đó là người mà chúng tôi quen biết.

Ít phút sau, khi tên tuổi 3 CBCS hy sinh được công bố, tôi gọi điện cho Thượng tá Đỗ Mạnh Tiến, Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm phụ trách về PCCC (trước đây anh Tiến từng là Đội phó Đội Cảnh sát PCCC Phan Chu Trinh, Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội) để hỏi về trường hợp Thượng tá Đặng Anh Quân, người lớn tuổi nhất, vì tôi đồ rằng mình có thể biết khi gần 20 năm trước, tôi có thời gian theo dõi Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội. Anh Tiến trả lời rằng đồng chí Quân hy sinh không phải là Quân mà tôi quen. Qua điện thoại, anh Tiến nghẹn ngào: “Đau quá em ạ! Anh năm nay 50 tuổi đời, 30 tuổi nghề, đây là lần đầu tiên xảy ra mất mát quá lớn của lực lượng PCCC Thủ đô”. Thế rồi hai anh em cùng sụt sịt, không biết nói gì hơn nữa...

Nhớ mãi 3 người lính cứu hỏa đã xả thân cứu người... -0

Nụ cười lành hiền, đôn hậu của Thượng tá Đặng Anh Quân.

Rất nhanh, một lúc sau, trên mạng xã hội đã đưa ảnh của 3 CBCS hy sinh. Tôi ngắm mãi tấm ảnh Thượng tá Đặng Anh Quân. Khuôn mặt khắc khổ, có thể hơi già so với tuổi nhưng nụ cười thì lành hiền, hồn hậu quá đỗi. Gương mặt ấy, nụ cười ấy hình như tôi đã gặp ở đâu rồi nhỉ? Có thể anh đã tham gia trong những vụ cháy mà tôi có mặt tại hiện trường đưa tin trước đây chăng? Tôi lật đi lật lại những bức ảnh chụp những người lính cứu hỏa trên mạng và nhận ra rằng, những người lính Cảnh sát PCCC&CNCH đều có điểm chung ở nụ cười hồn nhiên, vô tư và thánh thiện. Nụ cười ấy, tôi đã bắt gặp nhiều lần, sau những giờ tập luyện căng thẳng, phút nghỉ ngơi chia nhau từng chai nước, từng mẩu bánh mì ngay tại hiện trường các vụ cháy. Nụ cười sáng bừng trên những gương mặt lấm lem khói bụi sau mỗi vụ chữa cháy. Nụ cười thánh thiện của những người không hề toan tính khi sẵn sàng lao vào chỗ hiểm nguy để cứu giúp người khác.

Cách đây dăm năm, trong một lần gặp gỡ những người lính trẻ công tác tại Phòng Cứu nạn – cứu hộ (CNCH, thuộc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội), tôi có dịp gặp Thiếu úy Lê Văn Biển, 23 tuổi, là người trẻ nhất Đội CNCH dưới nước khi đó. Biển cho biết, năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trung cấp CSPCCC, anh về công tác tại Phòng CNCH.

Thử thách đầu tiên mà chàng trai trẻ bước vào nghề là chữa cháy và cứu hộ trong vụ cháy kinh hoàng tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy khiến 13 người tử vong. Nhiệm vụ của Biển là lên mái nhà quán karaoke cùng mọi người phá mái tôn thoát khói, sau đó dùng lăng dập lửa. Do địa hình đám cháy là những ngôi nhà cao tầng liền kề, mặt trước quán karaoke lại bị bịt bởi khung biển quảng cáo nên để đưa được lăng vào chữa cháy, Biển và đồng đội phải đu dây từ trên mái xuống, phá cửa sổ vào các tầng. Cùng với việc chữa cháy thì nhiệm vụ cấp thiết của lính cứu hộ là tìm kiếm các nạn nhân.

“Nóng như tuột da, chỉ muốn chạy ra ngoài để đỡ nóng và hít thở cho đỡ tức ngực nhưng khi nghe thông tin có nhiều người bị kẹt lại trong đám cháy, em và mọi người lại cố gắng đi sâu vào trong, đi từ tầng 10 xuống tầng 2, lật từng ngóc ngách để tìm kiếm người bị nạn. Nhưng buồn là không có nạn nhân nào may mắn…” – Biển chùng giọng, một thoáng buồn trên khuôn mặt người lính trẻ.

Nhớ mãi 3 người lính cứu hỏa đã xả thân cứu người... -0

 

Nhớ mãi 3 người lính cứu hỏa đã xả thân cứu người... -1

Bản lĩnh của những người lính cứu hỏa được tôi luyện trong lửa.

Những người lính cứu hỏa cho biết, mối nguy hiểm thường trực đối với lính chữa cháy, đó là nguy cơ sập đổ cấu kiện xây dựng  công trình trong quá trình tổ chức chữa cháy.  Khi đó, ngoài khối lượng vật liệu đổ xuống gây chấn thương, mất khả năng chiến đấu, lính cứu hỏa còn đối mặt với nhiệt độ cao, khói, khí độc phát sinh từ đám cháy gây nguy hiểm đến tính mạng cho chính người lính cứu hỏa mà có khi chỉ tính bằng giây.

Trước đó, rạng sáng ngày 8/9/2017, khi đang cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại căn nhà số 9, đường 10A, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, trong lúc nỗ lực đưa lăng vòi phun nước tiếp cận trực diện đám cháy để dập lửa, bất ngờ sàn nhà tầng 1 đổ sập do sức nóng, đè lên người các chiến sĩ chữa cháy khiến Đại úy Phạm Phi Long (cán bộ Đội chữa cháy chuyên nghiệp Khu vực 2, Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hồ Chí Minh) hy sinh và 2 chiến sĩ trẻ khác bị thương nặng.

Và không may trong vụ chữa cháy quán karaoke tại Quan Hoa, sau khi cứu thoát 8 người mắc kẹt, mối nguy thường trực ấy đã xảy ra khi Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sỹ Nguyễn Đình Phúc tiếp tục đi vào các phòng tìm kiếm nạn nhân.  Ở các vụ cháy, thông tin về đám cháy cũng như các nạn nhân còn mắc kẹt thường không đầy đủ. Điều này khiến lính cứu hỏa bắt buộc phải tiếp cận để khống chế ngọn lửa và tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Chỉ khi nào việc tìm kiếm tất cả các ngóc ngách nơi xảy cháy hoàn thành và khẳng định không còn người bị nạn nữa, những người lính cứu hỏa mới dừng việc tìm kiếm cứu nạn. 

 

Nhớ mãi 3 người lính cứu hỏa đã xả thân cứu người... -0

Các liệt sĩ: Thượng úy Đỗ Đức Việt, Thượng tá Đặng Anh Quân, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc.

Những người lính cứu hỏa tâm sự rằng, đứng trước một vụ cháy, hay thực thi nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, không ai có thể nói trước điều gì. Đô thị ngày càng phát triển hiện đại, đồng nghĩa với tiềm ẩm những nguy cơ về cháy nổ, về những tai nạn có xu hướng gia tăng và khó lường. Thực tế đi chữa cháy, anh em bị đứt tay đứt chân do kính vỡ, bị thương vì mái nhà bất ngờ sụt xuống là điều đã xảy ra. Hay như thời gian gần đây, thường xảy cháy do hàn xì tại các công trình xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện. Có vụ cháy dưới tầng hầm, khói mù mịt không có dưỡng khí. Có người lính cứu hỏa vào sâu tìm kiếm nạn nhân đã không đủ dưỡng khí để trở ra, may mà đồng đội kịp thời phát hiện. Nhưng không phải vì thế mà những người lính cứu hỏa chùn bước. Trái lại, một khi đã xác định nguy hiểm luôn rình rập thì đòi hỏi họ cần cẩn trọng hơn trong công việc và thường xuyên tập luyện hàng ngày để rèn luyện bản lĩnh, ý chí. Tập luyện thường xuyên để quen với môi trường và các tình huống có thể xảy ra. Bởi đối với công tác cứu nạn, cứu hộ thì thời gian là một áp lực. 

Cả 3 người lính cứu hỏa đã anh dũng hy sinh, tôi đều không quen. Nhưng nhiều bạn phóng viên ở các báo bạn đã đau đớn khi nhận ra một trong số các liệt sĩ là người quen, thậm chí là bạn lâu năm.

Phóng viên Hồng Quang, báo điện tử Zingnews đã kể lại câu chuyện buồn về người bạn Đỗ Đức Việt: “Việt ơi, có tham gia chữa đám cháy chỗ Quan Hoa không?” Dòng tin nhắn như một phản xạ tôi gửi cho Việt khi hay tin về hỏa hoạn xảy ra ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Thông thường, Việt sẽ nhắn ngay lại cho tôi, cập nhật tình hình như một cộng tác viên tin cậy. Lần này, trạng thái tin nhắn báo người dùng đã nhận, nhưng phía cậu bạn không có hồi đáp. Đó cũng là dòng tin nhắn báo cháy cuối cùng chúng tôi được gửi tới Việt”.

Nhớ mãi 3 người lính cứu hỏa đã xả thân cứu người... -0

Gương mặt lấm lem khói bụi của người lính cứu hỏa trong một vụ chữa cháy.

Theo phóng viên Hồng Quang, Đỗ Đức Việt kém anh 2 tuổi nhưng là hai người gọi nhau như hai người bạn đồng niên. Rất hiểu công việc của một phóng viên theo dõi mảng thời sự - nội chính ở một tờ báo điện tử như Hồng Quang, tốc độ về thông tin được coi là yếu tố then chốt trong công việc nên khi nhận được cuộc gọi từ Quang, bao giờ Việt cũng phản hồi ngay “chờ tý, tôi gửi ảnh ngay”. Nhận ảnh chụp từ điện thoại của Việt, dù hình ảnh không thể chỉn chu như phóng viên tác nghiệp nhưng Hồng Quang hiểu đó là sự tận tâm và trách nhiệm của Việt đối với anh và cũng là tính cảm của Việt dành cho đồng đội.

Chiều 1/8, khi nghe tin vụ cháy ở Quan Hoa, nhắn tin không thấy Việt hồi âm, Hồng Quang lao đến địa điểm xảy ra cháy. Lúc đó, phóng viên chỉ được tiếp cận từ xa để tránh gây ảnh hưởng tới công tác chữa cháy. Từ xa, Hồng Quang cũng như rất nhiều anh chị em  phóng viên nội chính chúng tôi và rất nhiều người dân, ở khoảng cách rất xa,  cố đưa mắt nhìn vào bên trong tòa nhà 6 tầng vẫn bốc khói nghi ngút sau hơn 3 giờ ngọn lửa hoành hành, với hy vọng tất cả đều bình an. Nhưng may mắn đã không mỉm cười với người bạn của Hồng Quang và 2 người lính cứu hỏa khác... Trên trang FB cá nhân, Hồng Quang viết rằng, anh chưa từng nghĩ mình sẽ phải đưa tin về một người bạn trong hoàn cảnh này. Từ nay, dòng tin nhắn “báo cháy” của anh sẽ không còn được hồi âm từ người bạn Đỗ Đức Việt...

Hôm nay, 5/8/2022, cùng với lực lượng Công an và người dân Thủ đô, anh chị em phóng viên chúng tôi sẽ tiễn đưa 3 người lính cứu hỏa – 3 Liệt sĩ anh hùng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Thủ đô về nơi an nghỉ cuối cùng. Xin kính cẩn nghiêng mình từ biệt các anh, những người anh hùng đã không quản hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng để mang lại sự sống và bình yên cho nhân dân!

Tác giả: Hương Vũ
Nguồn: Báo Công an nhân dân
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu