Nhiều đại biểu Quốc hội muốn cấm đòi nợ thuê

Đánh giá dịch vụ đòi nợ thuê biến tướng, gây hệ luỵ xã hội và đóng góp vào ngân sách không lớn, đa số các đại biểu Quốc hội đề nghị cấm. 

Thảo luận trực tuyến dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) chiều 26/5, đa số ý kiến đại biểu đồng ý cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vì những biến tướng của dịch vụ này, dẫn tới nhiều hệ luỵ xấu tới xã hội. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án. Một là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do có nhiều biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực với con nợ, mất trật tự xã hội. Hai là xem là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống. 

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong phần giải trình sau đó, nhấn mạnh "Chính phủ đã nghiên cứu công phu, tiếp thu nhiều ý kiến và đánh giá tác động trước khi đề xuất phương án cấm". Vì thế, ông mong các đại biểu ủng hộ phương án 1, là cấm kinh doanh đòi nợ thuê. 

Góp ý kiến sau đó, bà Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đồng tình việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì vừa qua dịch vụ này đã biến tướng bất chấp pháp luật, trong khi đóng góp của ngành nghề này không lớn so với tác hại nó gây ra với xã hội. 

Các đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế), Lê Đình Nhường (Phú Thọ), Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng "cấm dịch vụ thuê là hợp lý". Bà Hoa phân tích, bản chất của dịch vụ đòi nợ thuê là chủ nợ đòi tiền nhưng con nợ không có tiền và thường chủ nợ nghĩ đến hành vi bạo lực, đe doạ "dằn mặt" để đòi. Dù Nghị định 96 quy định, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được sử dụng vũ lực ảnh hưởng tới trật tự công cộng, nhưng thực tế không phải như vậy. 



Bà Mai Thị Phương Hoa - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp.

 

Dẫn lại báo cáo đánh giá tác động với loại hình kinh doanh này của Chính phủ, bà Hoa cho hay, đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó 84 doanh nghiệp ở TP HCM, 62 tại Hà Nội.

Nhiều doanh nghiệp không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh, dẫn tới phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực với xã hội. Những vi phạm phổ biến, là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" gây mất an toàn xã hội"...

"Như vậy, quan hệ pháp luật được xác lập trong giao dịch "đòi nợ thuê" như đang diễn ra hiện nay thực chất là quan hệ sai trái, không đúng với bản chất của việc đòi nợ hợp pháp mà pháp luật đã quy đinh", Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp nêu và nhấn mạnh, "cần cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê". 

Bà Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk) - Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng an ninh cũng bày tỏ quan ngại về loại hình này. "Phần lớn công ty đòi nợ thuê đều câu kết với băng nhóm xã hội đen để đi đòi nợ. Loại hình này cũng không góp bao nhiêu vào ngân sách", bà nói. 

Thay vì tìm tới dịch vụ đòi nợ thuê biến tướng, bà cho rằng các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nên hướng tới thiết chế đòi nợ văn minh, lành mạnh thông qua toà án. 

Cho rằng cần cấm kinh doanh đòi nợ thuê, ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình lưu ý, "cấm không phải vì không quản được". 

Ở chiều ngược lại, số khác đại biểu Quốc hội đề nghị, chỉ nên xem đòi nợ thuê là kinh doanh có điều kiện, không nên cấm.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Quảng Trị cho rằng không nên cấm trừ phi "không có phương án nào khác". Theo ông Đồng, Nghị định về quản lý ngành dịch vụ đòi nợ thuê có từ năm 2007, sau 13 năm đã phát sinh nhiều bất cập, không phù hợp để kiểm soát tiêu cực hoạt động đòi nợ. 

Thời gian qua, dịch vụ này "gần như không được quản gì nên mới dẫn tới hệ luỵ đáng tiếc". 

"Nếu cấm thì không khác gì chúng ta nhảy từ thái cực này sang thái cực khác, tức là từ chỗ gần như không quản sang cấm tuyệt đối. Ở đây thực chất không phải không quản được thì cấm mà chưa quản được đã cấm", ông Đồng nêu quan điểm. 

Thay vào đó, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị đề nghị, cần giao nhiệm vụ rõ ràng cho Bộ Công an trong quản lý hoạt động của loại hình dịch vụ kinh doanh này. 

Giơ biển tranh luận sau đó với đại biểu Hà Sỹ Đồng, ông Nguyễn Mai Bộ (An Giang) - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nói "không thể không cấm". Công cụ lao động để đạt mục đích của loại hình dịch vụ đòi nợ thuê là dao kiếm, phương thức hoạt động là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực. "Nếu tiếp tục để dịch vụ này thì gây hoang mang xã hội, dẫn tới mất niềm tin của nhân dân với lực lượng quản lý xã hội", ông Bộ lo ngại. 

Trước nhiều ý kiến khác nhau về cấm hay không, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Quốc hội sẽ lấy ý kiến các đại biểu thông qua phiếu biểu quyết bằng hình thức điện tử, trước khi bấm nút thông qua dự luật này vào ngày 17/6.

Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu