Chuyện cụ Bùi Bằng Ðoàn: Bồi hồi ở Thiệu Ðức Ðường
Tôi về thôn Bặt Chùa, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa quê cụ Bùi Bằng Đoàn sau ngày Lễ trọng có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội về nhà thờ Thiệu Đức Đường ở Bặt Chùa dâng hương kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Tôi về thôn Bặt Chùa, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa quê cụ Bùi Bằng Đoàn sau ngày Lễ trọng có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội về nhà thờ Thiệu Đức Đường ở Bặt Chùa dâng hương kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Thiệu Đức Đường là nhà thờ phân chi 2 họ Bùi làng Liên Bạt do cụ Bùi Tùng Mậu con trai cụ Bùi Bằng Phấn (anh trai cụ Bùi Bằng Đoàn) xây từ nửa cuối thế kỷ XX. Ông Bùi Yến Quân con trai cụ Mậu hiện giờ lãnh trọng trách trông nom hương khói. Ông Quân trước làm ở Tổng cục Hóa chất đã nghỉ hưu tiếp nối được nghề cắt thuốc chữa bệnh của tiền nhân lại khá thông rành chữ Hán. Tôi được ông Quân cho ngó qua đôi tán cũ bằng lụa đã rách dựng hai bên ở ban thờ gian giữa. Đây là tư liệu quý vì bài tán thêu trên lụa được chế tác từ năm 1923 niên hiệu Khải Định. Nội dung bài tán ca ngợi cụ Bùi Bằng Đoàn năm ấy đương làm tri phủ Xuân Trường thuộc Nam Định (Xuân Trường khi ấy bao gồm cả huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy ngày nay). Tác giả là Nguyễn Xuân Phương, nghị viên dân biểu Bắc Kỳ. Bài tán nêu bật công lao của Tri phủ Bùi Bằng Đoàn chăm lo cho dân Xuân Trường đắp đê mở mang diện tích dâu, lúa.
Bức chân dung cụ Bùi Tuấn, ông nội cụ Bùi Bằng Đoàn, còn khéo giữ được qua bao thăng trầm tao loạn. Cụ sinh năm 1828, mất năm 1872, vốn xuất thân nhà nông nghèo ít chữ nhưng chăm học, đỗ Tiến sĩ mở đầu đại khoa cho cả dòng họ Bùi Liên Bạt. Cụ từng giữ chức Binh bộ Tả tham tri và là cánh tay đắc lực cho Tổng đốc thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương. Tổng đốc hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Cha ấy nên con ấy. Con trai cụ là Bùi Tập, thân sinh Bùi Bằng Đoàn. Cụ Bùi Tập sinh năm 1849, từng là Án sát Sơn Tây (khi đó gồm Phúc Yên, Vĩnh Yên), rồi làm Tuần phủ Hưng Hóa (thời ấy gồm toàn vùng Tây Bắc những Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ). Cụ mất mới 46 tuổi.
Giăng giăng khắp ba gian thờ là câu đối hoành phi với những chữ nghĩa uẩn súc. Những ngữ nghĩa ấy, không phải vua ban cũng là quà tặng của tầm Thượng thư, Tổng đốc, Tuần phủ đồng liêu, đồng môn của các tiền nhân. Những bức ảnh chụp từ đầu thế kỷ XX dẫu phai lạt bởi thời gian nhưng vẫn giữ được nhiều đường nét. Cảnh các cụ nhà họ Bùi, người vận triều phục hoặc phục sức theo lối cũ cùng người thân, thấp thoáng đằng sau là đám lính cơ, lính lệ hộ vệ, gợi cho người coi một quá vãng mang mang những thông điệp cổ kim… Tôi hỏi ông Quân làm sao mà qua bao tao loạn như thế của gia bảo và đồ thờ tự ở Thiệu Đức Đường vẫn xôm tụ như thế? Ông Quân bộc bạch là cũng có thất lạc đi nhiều. Nhưng hồi Liên Bạt bị Pháp biến thành trận mạc cũng như hồi cải cách ruộng đất, các cụ đã trù liệu cho khơi mấy cái hầm và bí mật cất xuống nên may giữ được.
Bệt trên hiên Thiệu Đức Đường, tôi cố hình dung ra ba cơ ngơi của ba anh em Tam Bằng Hà Đông, những Bùi Bằng Phấn, Bùi Bằng Thuận, Bùi Bằng Đoàn (cụ Phấn đỗ tú tài, cụ Thuận và cụ Đoàn đỗ cử nhân cùng một khoa thi Hương năm Bính Ngọ, 1906, thời ấy được ví như ba cánh chim bằng đất Hà Đông) ngay quanh đây. Trong nhà cụ Bùi (tiếc là cơ ngơi ấy ngay chỗ đầu ngõ đây nay đã có chủ mới và cũng bị phá dỡ xây mới) nhóm Tam bằng Hà Đông ấy đã ngồi vơi hai phần đêm để bàn soạn để hồi đáp cái lẽ hành hay tàng khi tiếp được lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Bùi Bằng Đoàn ra gánh việc nước.
Rồi đâu là căn phòng dành riêng cho cụ Tôn Đức Thắng khi ấy là Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội (Phó Chủ tịch Quốc hội; cụ Bùi là Trưởng ban, là Chủ tịch) lại gánh thêm chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của cụ Bùi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bộ sậu của Quốc hội gấp rút sơ tán về nhà cụ Bùi ở Liên Bạt. Cụ Bùi và các cụ Vi Văn Định, Hoàng Minh Giám … đi ô tô. Nhưng cụ Tôn thì đi xe đạp về Liên Bạt. Mỗi sáng cụ vần cái xe về tận khi Thanh Oai, khi Vân Đình vừa thể dục vừa tiện việc nghe ngóng tình hình. Vùng Liên Bạt kề Vân Đình ngày ấy tấp nập, xôm tụ. Ngoài việc cưu mang hàng chục hộ trong thành ra tản cư, Liên Bạt còn dựng ngót trăm cái nhà tranh tre nứa lá cho đồng bào tản cư về đây.
Ngoài thời gian bàn soạn công việc Quốc hội, nhiều tối rảnh rỗi các cụ Bùi, cụ Tôn, cụ Hoàng Minh Giám… giải trí thêm vài ván cờ tướng, đôi khi mạt chược. Nếu không thì thư thả ghé sang xóm bên ghé ngôi nhà của cụ Nguyễn Thượng Phiên thân sinh Nguyễn Thượng Hiền. Không xa đó là cơ ngơi của cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm.
Và không thể không nghĩ đến những bữa ăn mà “Tổng quản phu nhân” của cụ Bùi một tay vun vén đảm đang lo liệu. Cụ Bùi có hai bà. Bà đầu là Đặng Thị Thọ, trưởng nữ của cụ Phó bảng Đặng Tích Trù. Bà sinh năm 1891 và mất năm 1929 vì bạo bệnh hưởng dương có 39 tuổi, sau khi sinh được 5 con gái và một trai. Người con trai ấy không may cũng mất sớm. Thời gian tập sự tri huyện Nghĩa Hưng, cụ Bùi thành thân với bà Trần Thị Đức quê ở làng An Ninh, Bình Lục, Hà Nam. Cụ bà sinh hạ được 6 người con gồm 3 trai, 3 gái.
Bà Đức có một liên lạc viên tin cẩn là cậu con trai út Bùi Nghĩa khi ấy đương làm thư ký riêng cho cả cụ Bùi và cụ Tôn. Đại loại là bữa nay có khách không hoặc cần thức gì để bà trù liệu. Ấn tượng về cụ Tôn hiền lành giản dị, ăn thức gì cũng được, cũng thấy ngon. Điều kiện kháng chiến phải thích nghi nhiều thứ. Trong đó các cụ phải tập bỏ nếp sinh hoạt quen thuộc của công đoạn uống trà kích rích mất nhiều thời giờ. Các cụ mau chóng làm quen với bình tích trà xanh mà cụ bà Đức hãm rất khéo. Bên nhà cụ Bùi Bằng Thuận, anh ruột cụ Đoàn khi ấy có cơ quan báo Sự Thật của ông Trường Chinh sơ tán. Ông Trường Chinh thường ghé thăm cụ Bùi, cụ Tôn. Ông rất thích khoản trà xanh cụ bà Đức hãm và độc đáo là thường có những món quà mọn để tặng bà Đức rất trân trọng tình nghĩa.
Nhưng những ngày êm ả thanh bình ấy không lâu. Tình hình căng thẳng theo đà lấn chiếm của Pháp. Bộ sậu Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại bí mật lặng lẽ rời Liên Bạt ngược mãi lên Thái Nguyên rồi Thủ đô kháng chiến đất Tuyên Quang. Bắt đầu thời gian Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn được ở cận gần bộ tham mưu kháng chiến trong đó chỗ cụ Bùi khá gần với nơi làm việc của cụ Hồ. Thi thoảng có những buổi gặp gỡ mạn đàm giữa các cụ. Những ngày ở ATK, cụ Bùi được cụ Hồ tặng quà, thuốc men quần áo… Buổi thù tạc tặng thơ cho nhau giữa hai cụ nhiều người đều biết. Cũng chính cụ Hồ phát hiện ra cử chỉ ôm đầu khó chịu của cụ Bùi trong một cuộc gặp nhiều người. Cụ Hồ điều bác sĩ riêng tới chăm sóc thuốc men.
Không lâu sau cụ Bùi bị tai biến. Cơn tai biến làm cụ đi lại khó khăn. Điều kiện ở Thủ đô kháng chiến thiếu thốn nhiều thứ, cụ Hồ đã quyết định đưa cụ Bùi về quê nhà Liên Bạt khi ấy vẫn là vùng tự do để có nhiều điều kiện chữa trị. Mọi thứ đã sẵn sàng. Chiều tối ngày 17 tháng 8 âm lịch Mậu Tý 1948, đoàn thuyền đưa cụ Bùi từ ATK xuôi xuống Bình Ca. Tháp tùng cụ Bùi có một trung đội cảnh vệ 20 người. Có bác sĩ riêng của cụ Hồ là Lê Văn Chánh (sau này BS Chánh là Giám đốc Bệnh viện Việt Xô). Có cả anh con trai Bùi Nghĩa. Lộ trình xuôi thuyền tiếp về Việt Trì vào sông Đáy, xuôi chùa Hương. Nhưng khi thuyền chưa đến Ngã Ba Thá thì bất ngờ xảy ra cuộc Pháp nhảy dù xuống Vân Đình!
Lại nói bà cụ Đức phải ở lại Liên Bạt trong khi cụ Bùi lên chiến khu mặc dù cụ rất muốn theo chồng nhưng điều kiện kháng chiến không thể. Cuộc nhảy dù xuống Vân Đình của Pháp khiến chiến sự loang nhanh sang Liên Bạt. Chúng đốt sạch gần trăm nóc nhà đồng bào tản cư và bắn giết bừa bãi. Quan Pháp ập vào Liên Bạt xộc vào nhà cụ Đức ở Bặt Chùa. Không may khi ấy lại trùng hợp với trù liệu của cụ bà là chuyển tài liệu giấy tờ từ nhà sang chùa Liên Bạt cho an toàn. Bọn giặc ập vào. Chúng chìa ra tấm ảnh cụ Bùi chụp với cụ Hồ… Chồng bà đâu? Ông ấy trốn vào núi rồi. Có phải chồng bà đang làm việc với Hồ Chí Minh trên Việt Bắc? Cụ Đức bình thản nhận là đúng! Chúng lục lọi giấy tờ rồi rút. Nhưng bất ngờ tên sĩ quan Pháp quay lại lia một tràng tiểu liên vào cụ Đức…
Tôi tìm đến ngôi nhà cũ của cụ Đức nay đã có chủ mới và hoán cải nhiều. Để cố nhận ra cái bậc thềm ngày ấy cụ đã ngã xuống bởi đạn thù ở tuổi 55. Lại hình dung thêm do tin báo của ông Nguyễn Văn Trân (ông đã được báo trước lịch trình lộ trình của cụ Bùi) khi ra đón đoàn thuyền của cụ Bùi. Ông Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Liên Khu 3 khi ấy chỉ dám nói nhỏ với Bùi Nghĩa tin dữ ở Liên Bạt và tuyệt nhiên không dám hé gì với cụ Bùi vì sợ cụ đương tật bệnh nhỡ có bề gì.
Vậy là đương đêm Bùi Nghĩa hổn hển phóng bộ một mạch về Bặt Chùa. Chạm mặt với khung cảnh tang thương chiếc quan tài lù lù trong ngôi nhà thân yêu. Sau khi chôn cất mẹ, Bùi Nghĩa lại phải mau chóng lần tìm dấu tích đoàn thuyền chở cha mình đang lênh đênh trên sông Đáy.
Một phương án mới được quyết khi nhận tin dữ. Phải tức tốc đưa cụ Bùi và đoàn về Bài Lâm, một địa chỉ an toàn thuộc địa phận Mỹ Đức. Anh Bùi Nghĩa được giao thông đưa tới Bài Lâm.