Tuy không trực tiếp tham gia các chuyên án, không trực tiếp đấu tranh, truy bắt tội phạm nguy hiểm nhưng hàng ngày, hàng giờ các anh vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ thực thi công lý, góp phần quan trọng trong công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, công tác tái hòa nhập cộng đồng. Đó chính là những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Cảnh sát Thi hành án và hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP) Công an tỉnh Thanh Hóa.
Vừa rót nước, Thượng tá Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng phòng Cảnh sát THAHS và HTTP vừa chia sẻ, 15 năm thành lập tuy chưa phải là dài so với các đơn vị nghiệp vụ khác, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh cùng sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành nên đơn vị anh đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành tích chung của Công an tỉnh Thanh Hóa.
Với chức năng là đơn vị chủ trì tham mưu, hướng dẫn và trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực công tác thi hành án hình sự, tái hòa nhập công đồng, thi hành các biện pháp tư pháp, quản lý kho vật chứng, công tác tạm giam, tạm giữ và hỗ trợ tư pháp theo quy định của pháp luật, những công việc ấy tuy rất cụ thể nhưng đòi hỏi mỗi CBCS phải có tinh thần tận tụy, tác phong làm việc khoa học và nghiệp vụ tinh thông. Bởi nếu trong quá trình thực thi nhiệm vụ, chỉ cần sai sót dù là nhỏ nhất cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng đến việc thi hành án, thực thi pháp luật...
Âm thầm thực thi công lý
Bảo vệ phiên tòa và dẫn giải đối tượng là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sỹ có bản lĩnh vững vàng, kiên định. Vậy nên, trước mỗi phiên tòa, Phòng Cảnh sát THAHS và HTTP đều xây dựng phương án cụ thể, chi tiết, tính toán các tình huống có thể xảy ra để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho phiên tòa.
Trong 2 qua, đơn vị đã phân công 11.109 lượt cán bộ chiến sĩ bảo vệ an toàn gần 2.800 phiên tòa với hơn 4.000 bị cáo, trong đó có nhiều phiên tòa số lượng bị cáo nhiều, đông người tham dự, nhất là những phiên tòa xét xử lưu động, mà đối tượng gây án thường được đưa về địa phương xét xử công khai thì yêu cầu đặt ra cho cán bộ chiến sĩ làm công tác THAHS và HTTP càng khó khăn, vất vả. Trách nhiệm của chúng tôi là phải nghiên cứu, đưa ra nhiều tình huống, giải pháp..., bảo vệ tuyệt đối an toàn từ quá trình trích xuất, dẫn giải, áp giải bị cáo, bảo vệ an toàn cho Hội đồng xét xử, vật chứng vụ án và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Để phiên tòa diễn ra an toàn, thì CBCS của đơn vị phải có mặt từ rất sớm; không chỉ làm nhiệm vụ dẫn giải bị can, bảo vệ phiên tòa mà còn kiêm luôn việc nhắc nhở người dân về ý thức tham gia phiên tòa, ổn định trật tự trong và ngoài hội trường để phiên tòa diễn ra thuận lợi - Thượng tá Nguyễn Quang Tuyến cho biết thêm.
Là cán bộ có kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và thi hành án, song mỗi lần áp giải đối tượng ra trước vành móng ngựa, các đồng chí đều phải chịu áp lực nặng nề, Trung tá Lê Trọng Bằng, Đội trưởng đội HTTP và THA cho biết: Có những phiên tòa mà tội lỗi của bị cáo gây ra đã làm thân nhân bị hại tột cùng căm phẫn, Nhân dân địa phương bất bình kéo đến chật kín hội trường chỉ để trực tiếp xem kẻ đang tâm giết người phải đền tội như thế nào.Trong không khí căng thẳng như vậy, CBCS Cảnh sát THAHS và HTTP tại phiên tòa không được phép chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Trong các tình huống xảy ra phải kịp thời tập trung lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công theo phương án, phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra... Chính sự cần mẫn, tận tụy với công việc của các đồng chí đã góp phần thành công cho mỗi phiên tòa.
Để mỗi người chấp hành xong án phạt tù đều có cơ hội hoàn lương
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 4.396 đối tượng hình sự, tù tha về chưa xoá án tích và đang chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ. Điều đáng quan tâm, đó là tỷ lệ tái phạm tội của các đối tượng hình sự luôn chiếm tỷ lệ khá cao. Mặc dù, thời gian qua, lực lượng Công an cũng như các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng, song không phải lúc nào, ở đâu, những người có quá khứ lầm lỗi cũng nhận được sự sẻ chia, đồng cảm của gia đình và xã hội.
Thiếu tá Lê Thị Ngọc Liên, Phó đội trưởng Đội Hướng dẫn công tác THA và tái hòa nhập cộng đồng cho biết thêm: Từ khi Nghị định 80/CP của Chính phủ có hiệu lực, đơn vị đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện rất nghiêm túc và hiệu quả nhiệm vụ này. Trong đó có nhiều đơn vị, địa phương đã tham mưu và xây dựng triển khai được nhiều mô hình hay, rất sáng tạo trong việc cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi. Điển hình như Công an huyện Nga Sơn đã xây dựng mô hình “Doanh nhân với ANTT”, tổ chức cho 118 lượt người lầm lỗi trên địa bàn huyện vay vốn để sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng. Hay như mô hình “3 trên 1” ở huyện Thọ Xuân, hoạt động theo hình thức cứ 1 người lầm lỗi thì có 3 cựu chiến binh cùng tham gia giáo dục, quản lý, cảm hoá. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 421 tổ “3 trên 1” với 1.263 hội viên cựu chiến binh tham gia quản lý, giáo dục, cảm hoá 494 người lầm lỗi. Bằng tình thương và trách nhiệm của mình, các thành viên trong tổ “3 trên 1” đã giúp đỡ hơn 300 người lầm lỗi tiến bộ, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội; 286 người đã được các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, đất đai, giới thiệu việc làm giúp người lầm lỗi ổn định cuộc sống.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo ở cơ sở được xây dựng, củng cố, duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, giúp đỡ những người có quá khứ phạm tội tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm tội, giảm đi gánh nặng, mối lo cho toàn xã hội và gia đình các đối tượng, đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trong tổng số hơn 4.000 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn tỉnh, đã có hơn 3.000 người tiến bộ; 1.673 người đã có công ăn việc làm có thu nhập ổn định. Tỷ lệ tái phạm tội của những người lầm lỗi đã giảm rõ rệt.
Trọn vẹn những chiến công
Ngoài việc bảo đảm ANTT ở phiên tòa và công tác tái hòa nhập cộng đồng, lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP còn thực hiện nhiều lĩnh vực khác nhau như tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự, bảo đảm xuất - nhập vật chứng, hướng dẫn, kiểm tra, quản lý giam giữ; phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, quản lý người có án phạt tù còn ngoài xã hội, người đang chấp hành án phạt tại xã, phường, thị trấn….
Chỉ ngần ấy công việc cũng cho thấy áp lực đối với những cán bộ làm công tác THAHS và HTTP Công an tỉnh Thanh Hóa, nhất là đối với người thủ trưởng đơn vị. Để làm tốt công tác quản lý giam giữ, đơn vị đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh thường xuyên tăng cường kiểm tra công tác quản lý, hệ thống giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh và Nhà tạm giam, tạm giữ tại Công an các huyện, thị xã, thành phố. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, quản lý giáo dục phạm nhân được thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức hướng dẫn việc quản lý phạm nhân, thực hiện quy định về canh gác, dẫn giải phạm nhân và nắm tình hình, duy trì kiểm tra các buồng giam giữ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp phạm nhân vi phạm quy định.
Bên cạnh đó, công tác quản lý kho vật chứng của các vụ án luôn được quan tâm, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra tình trạng mất mát, hư hỏng, hay biến dạng vật chứng, thực hiện nghiêm quy trình xuất nhập vật chứng, phục vụ tốt cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Công tác trong điều kiện đặc thù, thường xuyên tiếp xúc với những đối tượng vi phạm pháp luật và nhiều trường hợp luôn tìm cách chống đối, trốn trại nhưng CBCS Cảnh sát THAHS và HTTP luôn đoàn kết, nêu cao ý thức trách nhiệm, lấy tình thương cảm hóa giáo dục can phạm nhân hướng thiện. Những công việc thầm lặng ấy đã góp phần tích cực trong phòng ngừa tội phạm và giúp người phạm tội xóa đi mặc cảm lầm lỗi, trở về tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân hữu ích cho xã hội./.