Là huyện miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, song với sự cố gắng, nỗ lực, sự đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn, thời gian qua Công an huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp cấp, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tửnhằm phục vụ hiệu quả quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong cải cách hành chính.
Thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ, trên cơ sở khảo sát thực tế của địa phương, Công an huyện Mường Lát đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để cấp căn cước công dân gắn chíp và thu nhận định danh điện tử cho công dân; đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân kích hoạt tài khoản định danh, xác thực điện tử và sử dụng ứng dụng VNEID…
Để hoàn thành khối lượng lớn các mục tiêu mà Đề án 06 đã đặt ra, Công an huyện đã tổ chức tập huấn chuyên sâu về cấp, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử đến các tổ công tác, tổ giúp việc Đề án 06 và toàn thể cán bộ, chiến sĩ được phân công thực hiện nhiệm vụ để nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ; huy động phương tiện của các tổ chức, cá nhân tham gia đưa, đón công dân đến các địa điểm thu nhận hồ sơ định danh điện tử….
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của Nhân dân, đến thời điểm hiện tại, Công an huyện Mường Lát đã thu nhận 29.504 hồ sơ (đạt 100%) cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân trên địa bàn; 8.390hồ sơ định danh điện tử mức 2(đạt tỷ lệ 31,61%). Đó là kết quả rất quan trọng ở huyện miền núi, biên giới như Mường Lát khi trình độ dân trí, kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đường truyền…. còn nhiều khó khăn – Thượng tá Trương Văn Dũng, Trưởng Công an huyện Mường Lát cho biết.
Hiện tại, trên địa bàn huyện còn 18.322hồ sơ định danh điện tử mức 2 chưa thu nhận do chưa đủ các điều kiện theo quy định. Trong đó, 7.085 trường hợp công dân không biết chữ (chiếm 38,67%); 9.351 trường hợpkhông có điện thoại smarphone hoặc smartphone không đủ điều kiện tải phần mềm VNEID (chiếm 51,04%); 1.321 trường hợp đã làm CCCD gắn chíp nhưng đi làm ăn xa nên chưa thu nhận hồ sơ định danh(chiếm 7,2%) …
Ngoài ra, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, một bộ phận không nhỏ người dân chưa từng tiếp xúc công nghệ thông tin, điện thoại thông minh, khả năng sử dụng, cập nhật internet thấp. Toàn huyện có 23 bản chưa có điện lưới, 29 bản, khu phố chưa phủ sóng băng rộng di động mặt đất 3G, 4G) nên tốc độ của đường truyền dữ liệu chậm, hệ thống mạng nội bộ thường xuyên quá tải, không tiếp nhận được hồ sơ của công dân; một số trường hợp công dân không có số điện thoại và không sử dụng điện thoại hoặc có sử dụng nhưng hệ điều hành không đủ điều kiện đáp ứng để cài đặt ứng dụng VNEID… là những khó khăn đối với lực lượng chức năng trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Để khắc phục những khó khăn trên, bảo đảm hoàn thành tiến độ của Đề án, Công an huyện Mường Lát một mặt tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dânkích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử; gắn trách nhiệm, giao chỉ tiêu hằng ngày cho từng tổ công tác đề án 06 để vận động, hướng dẫn Nhân dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng phần mềm VNEID, số định danh điện tử. Mặt khác, lực lượng Công an sẽ tiến hành thành lập các tổ công tác cố định và các tổ lưu động đến từng bản, khu phố, từng nhà dân để thu nhận, hướng dẫn,phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện việc thu nhận; động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện tranh thủ ngày nghỉ, ngày lễ để đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để hướng dẫn, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua phần mềm VNEID cho Nhân dân…