Hiệu quả mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM
Hiện nay, một trong những mô hình hay, phát huy hiệu quả của Đề án 06 hiện đang được Công an tỉnh triển khai đó là mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú và cơ sở khám, chữa bệnh. Dù mới triển khai, nhưng hiệu quả thực tiễn mà mô hình này mang lại đã rút ngắn thủ tục, thời gian thông báo lưu trú cho người dân, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước ANTT.
Thành phố Sầm Sơn là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa, với trên 1 nghìn cơ sở kinh doanh lưu trú, biệt thự nghỉ dưỡng trên địa bàn, thu hút hàng vạn lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Với mục tiêu triển khai rộng khắp việc thông báo lưu trú qua phần mềm ASM mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, từ tháng 6/2023, thành phố Sầm Sơn được chọn là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú. Sau 5 tháng triển khai, phần mềm này đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhất là vào thời điểm hè du lịch. Tại các khách sạn thường xuyên đón khách lưu trú dài hạn, nếu như trước đây việc làm thủ tục lưu trú phải đến trực tiếp cơ quan Công an, thì khi sử dụng phần mềm ASM, việc đăng kí lưu trú đã trở nên đơn giản hơn.

Thực hiện khai báo lưu trú qua phần mềm ASM tại Nhà khách Điện lực miền Bắc, thành phố Sầm Sơn
Anh Nguyễn Hoành Tùng, Phụ trách lễ tân, Nhà khách Điện lực miền Bắc, TP.Sầm Sơn, cơ sở lưu trú triển khai thí điểm đầu tiên phần mềm ASM ở TP. Sầm Sơn cho biết: Với phần mềm ASM, chúng tôi chỉ cần quét mã QR trên thẻ CCCD của khách để khai báo lưu trú qua mạng điện tử cho khách hàng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại và không phải trực tiếp đến cơ quan Công an như trước đây. Ngoài ra, phần mềm này cũng có nhiều tính năng, tiện ích khác mà chúng tôi có thể khai thác sử dụng được, giống như một hệ thống quản lý dịch vụ khách sạn thu nhỏ, kiểm soát được số phòng, số khách và tích hợp được chi phí mà khách hàng sử dụng tại cơ sở lưu trú.
Còn tại huyện miền núi Bá Thước, với lợi thế thiên nhiên và văn hóa bản địa, hàng năm nơi đây đang là điểm du lịch thu hút rất lớn lượng khách đến du lịch sinh thái, cộng đồng với trên 22 nghìn khách trong và ngoài nước. Mặc dù mới được triển khai từ cuối tháng 10/2023, nhưng với những tiện ích mang lại, phần mềm ASM đã được 100% cơ sở kinh doanh lưu trú ở đây hưởng ứng và đăng ký sử dụng.
Là một trong số 90 cơ sở lưu trú của huyện Bá Thước được triển khai sử dụng phần mềm khai báo lưu trú ASM, anh Nguyễn Đức Mạnh, Quản lý Ebino Puluong Resort, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước rất phấn khởi trước những tiện ích mà phần mềm này mang lại: Việc khai báo lưu trú cho khách qua phần mềm ASM đã rút ngắn được thời gian và giảm được sai sót trong cập nhật thông tin khách hàng khi đến lưu trú tại đây.
Mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ ở kinh doanh lưu trú là mô hình thứ 9 trong số 43 mô hình thuộc 5 nhóm tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng khi thực hiện Đề án 06. Phần mềm ASM được kết nối trực tiếp đến hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mọi thông tin lưu trú của người dân được cập nhật một cách thường xuyên và đảm bảo tính bảo mật. Với phương châm "Tiện lợi, an toàn, bảo mật" và hoạt động 24/24h với nhiều tiện ích, việc tiếp nhận thông tin khách lưu trú đã được tích hợp cùng chức năng quét mã QR trên thẻ CCCD giúp việc tiếp nhận được nhanh chóng, thuận tiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú trong công việc quản lý và thực hiện nghĩa vụ thông báo lưu trú trên môi trường điện tử trong cùng một ứng dụng duy nhất.

Công an xã Thành Lâm, huyện Bá Thước tuyên truyền, hướng dẫn, chủ cơ sở kinh doanh lưu trú kỹ năng sử dụng phần mềm khai báo lưu trú ASM