A- A A+ |

Công an các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa chủ động ứng phó mưa lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trong các ngày từ ngày 20 đến 22/9/2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là các huyện miền núi liên tục xảy ra mưa to kéo dài, trên diện rộng gây ngập úng và sạt lở đất, đá ở một số địa bàn và tuyến giao thông, đe dọa sự an toàn của nhiều hộ dân. Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh, nhất là Công an các huyện miền núi và vùng trũng, thấp, địa bàn xung yếu tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia phối hợp ứng phó và giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả do mưu lũ gây ra.

Nước sông Mã dâng cao

Theo ghi nhận, tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh mưa lớn đã gây sạt, lở nhiều đất, đá tại nhiều điểm, tuyến giao thông gây ách tắc giao thông; sạt lở vào khu vực nhà dân, trường học, công trình công cộng đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân; gây ngập tại nhiều khu vực tràn khiến giao thông bị chia cắt.

Giao thông trên địa bàn huyện Mường Lát nhiều nơi bị chia cắt do đất đá sạt xuống đường và các tràn nối giữa các bản ngập sâu

Tại huyện Mường Lát, mưa lũ đã gây sạt lở một số tuyến giao thông trên Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16, Tỉnh lộ 521E, 521D. Đặc biệt là tại địa bàn các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi và thị Trấn Mường Lát, xã Quang Chiểu và Mường Chanh bị sạt lở, đất đá tràn xuống mặt đường khiến giao thông bị ách tắc, tê liệt. Mưa lũ khiến 9 bản của xã Mường Chanh bị cô lập, toàn bộ 4 cầu tràn đi các khu dân cư bị ngập sâu hơn 1m, có những điểm nước chảy xiết, dâng cao so với bề mặt của đập tràn gần 2m... Mưa lũ cũng gây sạt lở phía sau ký túc xá trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, làm ảnh hưởng đến 15 phòng ở của học sinh. Tại điểm trường khu Chiềng Cồng, khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát phía sau đồi (taluy dương) xuất hiện các vết nứt và điểm sạt có nguy cơ cao sạt lở xuống điểm trường. Huyện Mường Lát đã sơ tán 443 hộ, 1.479 nhân khẩu và khoảng 300 học sinh ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nhà văn hóa, điểm trường học lưu trú và ở xen ghép trong nhà người thân.

Nhiều khu vực tràn ở Quan Hóa nước dâng cao khiến giao thông bị chia cắt

Tại huyện Quan Sơn, đến 14 giờ ngày 22/9, mưa lớn đã làm 21 ngôi nhà bị sạt lở đất, đá vào nhà, nhiều điểm sạt lở đất trên QL217 và các tuyến giao thông liên xã, liên bản, đường tuần tra biên giới bị sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ. Tại xã Sơn Thủy, do nước sông Luồng dâng cao, chảy siết đã làm sập 2 trụ cột điện cao thế với 3 cột điện bị đổ làm mất điện toàn xã; một số cột điện cao thế, nhiều công trình, nhà xưởng và nhà dân có nguy cơ cao bị sạt lở. Lực lượng chức năng huyện Quan Sơn đã tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn....

Công an xã Mường Chanh, huyện Mường Lát di dời người và tài sản của Nhân dân đến nơi tránh trú an toàn

Tại huyện Bá Thước, đến thời điểm 17 giờ ngày 22/9, trên địa bàn huyện có 11 điểm ngập tại các điểm tràn qua đường giao thông, nước sông dâng cao làm ngập và chia cắt thôn Rầm Tám với khoảng 60 hộ/200 nhân khẩu. Hiện tại, toàn huyện có 14 hộ/55 khẩu đã phải sơ tán đến nơi ở an toàn...

Công an xã Nhi, huyện Mường Lát di dời người và tài sản của Nhân dân đến nơi tránh trú an toàn

Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo UBND các xã và các cơ quan, đơn vị chức năng huy động lực lượng khẩn trương các phương án ứng phó với mưa lũ, phòng ngừa, giảm thiểu tác hại do thiên tai. Vào hồi 16h30 ngày 22/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá đã phát đi Công điện số 21 cảnh báo lũ trên sông Mã tới Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, TP.Thanh Hóa, TP.Sầm Sơn.

Lực lượng Công an hướng dẫn, cảnh báo, không cho người dân đi qua những khu vực nguy hiểm

Để giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, trong suốt những ngày qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Công an Thanh Hóa đã tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất sẵn sàng tham gia phòng, chống lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng để rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét… để chủ động sơ tán, di dời người dân và bảo đảm an ninh, an toàn hồ đập, đê điều, vv…Tại một số địa bàn bị ngập lụt, sạt lở đất, lực lượng Công an đã trực tiếp đến từng hộ dân phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người sơ tán người, tài sản từ vùng bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Lực lượng chức năng huyện Bá Thước lập chốt cấm người và phương tiện qua các tràn ngập nước nguy hiểm

Tại các tuyến giao thông xung yếu và khu vực đập, tràn, lực lượng Công an đã tổ chức lực lượng, bố trí các tổ, chốt tuần tra, hướng dẫn giao thông để cảnh báo và hỗ trợ người dân tránh xa khu vực nguy hiểm. Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đã triển khai các phương án hỗ trợ, giúp đỡ dân phòng, chống ngập lụt và khắc phục hậu quả mưa lũ với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân./.

Công an huyện Quan Sơn dùng cưa xăng dọn dẹp cây cối bị gãy, đổ chắn ngang đường

Tác giả: Đình Hợp
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu