Lực lượng Kỹ thuật hình sự 65 năm thầm lặng góp chiến công

Bất kể ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày tết….dù trong bất kì điều kiện thời tiết nào, khi có lệnh là lập tức lên đường - Đó là tính chất và đặc thù công việc mà những người lính kỹ thuật hình sự vẫn đang hằng ngày đối mặt. Tuy không phải là lực lượng trực tiếp đấu tranh trực diện với tội phạm, nhưng trong mỗi chuyên án, vụ án được điều tra làm rõ đều ghi đậm dấu ấn quan trọng và những đóng góp thầm lặng của lực lượng Kỹ thuật hình sự… Phía sau những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn, là niềm vui, hạnh phúc của mỗi cán bộ, chiến sĩ Kỹ thuật hình sự vì đã góp phần giữ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Ra đời trong không khí sục sôi của những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, ngay sau khi giành được chính quyền về tay Nhân dân, ngày 18/4/1946 Ty Công an Thanh Hoá chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ lực lượng trinh sát Viện và Cảnh sát xung phong. Trong mô hình tổ chức của Ty Công an Thanh Hoá lúc bấy giờ tuy chưa có lực lượng Kỹ thuật hình sự, nhưng nhiệm vụ khai thác tài liệu trong tàng thư căn cước thu được của địch, xác định bọn cường hào, ác bá, bọn gián điệp chỉ điểm chống phá cách mạng cũng như bọn tay sai cho đế quốc phong kiến; thực hiện khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và giám định dấu vết đường vân trong các vụ án đã được triển khai từ rất sớm và đó là tiền thân của lực lượng kỹ thuật hình sự.

Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chủ tịch UBND tỉnh

Trong giai đoạn này, mặc dù số lượng cán bộ ít, trình độ còn giản đơn, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác còn thô sơ, nhưng những cán bộ làm công tác kĩ thuật hình sự thuộc Ban trị an dân cảnh đã vừa làm tốt công tác bảo quản, khai thác tài liệu, vừa thông qua việc tra cứu hồ sơ để phát hiện hàng trăm tên mật thám, tình báo, phản động; cung cấp nhiều thông tin, tài liệu quan trọng phục vụ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù chưa được đào tạo bài bản, nhưng bằng kinh nghiệm, sự nhiệt tình cách mạng và nhiệt huyết yêu nghề, những cán bộ làm công tác kỹ thuật hình sự đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần cùng lực lượng Công an Thanh Hóa đấu tranh, bóc gỡ hàng chục toán gián điệp, biệt kích; phát hiện nhiều tên việt gian, phản động đang tìm cách chui sâu vào nội bộ ta; điều tra làm rõ nhiều vụ án giết người, trộm cắp, cướp tài sản, tham ô... giữ vững ổn định trật tự trị an.

Phòng Kỹ thuật hình sự khám nghiệm các vụ án liên quan đến súng, đạn 

Từ ngày 21 đến ngày 23/8/1957, Hội nghị kỹ thuật hình sự lần thứ Nhất của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã thông qua Nghị quyết về công tác Kỹ thuật hình sự. Lần đầu tiên trong lịch sử Công an nhân dân, công tác kĩ thuật hình sự được chính thức ghi nhận là một biện pháp khoa học nghiệp vụ có vai trò rất quan trọng trong công tác Công an. Và từ đó đến nay, ngày 23/8/1957 được Bộ Công an quyết định chọn làm ngày truyền thống của lực lượng KTHS CAND Việt Nam.

Tháng 2/1960, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định thành lập cục Kỹ thuật nghiệp vụ. Tại Thanh Hóa, do chưa có điều kiện để thành lập Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, nên Ty Công an Thanh Hóa đã bố trí tổ Kỹ thuật hình sự trực thuộc Ban Trị an dân cảnh. Đến tháng 2/1969, Phòng trinh sát Kỹ thuật nghiệp vụ II (phiên hiệu PK67) chính thức được thành lập, trong đó Đội Kỹ thuật hình sự có biên chế 5 đồng chí. Năm 1973, trước yêu cầu, nhiệm vụ được giao, Đội Kỹ thuật hình sự được tăng cường thêm biên chế lên 9 đồng chí và được sắp xếp lại theo các tổ nghiệp vụ chuyên sâu gồm: Tổ khám nghiệm hiện trường; Tổ tàng thư căn cước can phạm - trích lục án hình sự; Tổ giám định sơ bộ tài liệu, dấu vết và Tổ nhiếp, in, phóng ảnh hình sự.

Tháng 7/1981, thực hiện Nghị định số 250 của Chính Phủ và Quyết định số 40 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Ty Công an Thanh Hóa đổi tên thành Công an tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, ngày 04/11/1981, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định thành lập Phòng Kỹ thuật hình sự với mô hình tổ chức gồm 3 đội chuyên môn là: Đội khám nghiệm hiện trường; Đội giám định kỹ thuật hình sự truyền thống và Đội tàng thư căn cước can phạm - Ảnh hình sự, Văn thư hậu cần. Kể từ đây, Phòng Kỹ thuật hình sự trở thành một đơn vị độc lập, thuộc Ban chỉ huy Cảnh sát nhân dân. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng Kỹ thuật hình sự.

Có nhiều vụ án xảy ra tại những nơi xa xôi, hẻo lánh, nhưng lực lượng Kỹ thuật hình sự vẫn luôn có mặt đầu tiên để làm nhiệm vụ

Những năm đầu thời kỳ đổi mới, nền kinh tế nước ta chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động của các loại tội phạm thời kỳ này diễn ra rất phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Lực lượng Công an Thanh Hóa nói chung, lực lượng Kỹ thuật hình sự nói riêng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức lớn.

Với đặc thù là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, có nhiều huyện miền núi, biên giới, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Hằng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng nghìn vụ việc ở khắp mọi nơi, nhưng với bản lĩnh và sự cố gắng, nỗ lực của mình, lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an Thanh Hóa đã lập nhiều thành tích xuất sắc trên tất cả các mặt công tác, góp phần quan trọng, làm sáng tỏ nhiều vụ án lớn. Chỉ tính từ tháng 11/1981 đến năm 2004, lực lượng Kỹ thuật hình sự đã trực tiếp khám nghiệm 4.602 vụ việc hình sự (trong đó có 289 vụ án mạng); tiếp nhận hàng trăm trưng cầu và tài liệu để giám định như: giám định chữ viết, chữ ký, hình dấu, ấn phẩm. Lập 2.928 bản căn cước, căn phạm; bổ sung hơn 20 nghìn hồ sơ án tích hình sự. Chụp và in phóng, xây dựng 5 nghìn bản ảnh khám nghiệm hiện trường phục vụ công tác điều tra và xử lý tội phạm của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các huyện, thị, thành phố trong và ngoài tỉnh.

Công tác khám nghiệm, truy tìm dấu vết luôn được tiến hành một cách tỉ mỉ, cẩn thận

Năm 2005, thực hiện Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa được thành lập. Theo đó, chức năng nhiệm vụ của Phòng Kỹ thuật hình sự cũng có những thay đổi và phát triển theo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Bộ phận tàng thư, căn cước căn phạm được chuyển giao cho Phòng Hồ sơ, đồng thời thành lập thêm bộ phận Pháp y hình sự - sinh vật và giám định chất ma túy. Trong giai đoạn này lực lượng Kỹ thuật hình sự đã trực tiếp khám nghiệm 6.080 vụ việc hình sự thuộc thẩm quyền điều tra xử lý của Cơ quan CSĐT cấp tỉnh và cấp huyện. Riêng Bộ phận Pháp y hình sự Công an tỉnh đã tiếp nhận 4.126 trưng cầu giải phẫu tử thi, làm rõ nguyên nhân chết của 4.189 nạn nhân, trong đó có 705 vụ chết do án mạng, số vụ còn lại chết do các nguyên nhân khác.

Tuy không phải trực tiếp đấu tranh trực diện với các loại tội phạm, nhưng những công việc thầm lặng mà lực lượng kỹ thuật hình sự Công an Thanh Hoá đã và đang ngày đêm đối mặt cũng không kém phần cam go và nguy hiểm. Mỗi khi có án xảy ra, những người lính kỹ thuật hình sự luôn là những người có mặt tại hiện trường nhanh nhất; kiên trì, tỉ mỉ, thận trọng, thu thập từng dấu vết, từng chi tiết nhỏ, bảo quản các tang chứng, vật chứng để đưa ra những nhận định, giám định chính xác, khoa học phục vụ kịp thời cho công tác điều tra truy tìm thủ phạm. Nhiều vụ án phức tạp, xảy ra nơi hoang vắng, tận nơi hang sâu, rừng núi hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn song những chiến sỹ Kỹ thuật hình sự vẫn kiên trì, miệt mài trèo đèo lội suối, hết lên núi cao lại vào tận hang sâu tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi lần ra dấu vết và nhanh chóng đưa ra kết luận một cách khoa học, chính xác, giúp các cơ quan Cảnh sát điều tra có đủ cơ sở kết luận vụ án, buộc kẻ gây án phải cúi đầu nhận tội. Có những vụ án sau khi giết người, hung thủ đã ranh ma, xảo quyệt xoá mọi dấu vết, phi tang vật chứng bằng cách ném hung khí gây án xuống sông sâu, ao hồ và bụi rậm, việc tìm kiếm tang vật tưởng chừng như tìm kim đáy biển. Khó khăn là vậy nhưng cũng không làm các anh lùi bước. Chẳng quản đêm đông giá rét, các anh đã lặn ngụp rò tìm bằng được hung khí chứng minh hành vi phạm tội.

Công tác khám nghiệm, truy tìm dấu vết luôn được tiến hành một cách tỉ mỉ, cẩn thận

 

Có thể khẳng định: Trải qua chặng đường 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy - lãnh đạo Công an tỉnh; sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành, các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành, nhất là sự cố gắng, nỗ lực vươn lên không ngừng của các thế hệ lãnh đạo và CBCS, lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an Thanh Hoá đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt. Từ chỗ chỉ là một bộ phận nhỏ thuộc Ban trị an dân cảnh, đến nay, lực lượng Kỹ thuật hình sự đã có một đơn vị cấp phòng với 46 đồng chí, được bố trí ở 3 đội nghiệp vụ chuyên sâu. Hầu hết CBCS đều được tuyển chọn, đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tận tâm, tận lực với công việc. Ở Công an các huyện, thị xã, thành phố đều có đội hoặc tổ kỹ thuật hình thuộc Đội Điều tra tổng hợp với 51 đồng chí.

Được sự quan tâm của Giám đốc Công an tỉnh và viện Khoa học hình sự, hiện nay Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đã được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác chiến đấu như: Kính hiển vi so sánh, máy giám định tài liệu Doculap, VSC 8000, máy sắc ký khí và dây truyền công nghệ giám định gen (ADN) hiện đại nhất cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi hỗ trợ đắc lực cho công tác giám định, tạo điều kiện cho việc phát hiện, thu thập và giám định được kịp thời, phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, khám phá án của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thị, thành phố trong và ngoài tỉnh.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh và hàng trăm lượt tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen về thành tích trong công tác, chiến đấu. Nhiều năm liền đơn vị được Giám đốc Công an tỉnh công nhận danh hiệu thi đua “Đơn vị Quyết thắng”, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Lực lượng kỹ thuật hình sự luôn âm thầm, tỉ mỉ truy tìm dấu vết từ những vụ án, vụ việc

Thượng tá Trịnh Anh Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Phát huy truyền thống vẻ vang đã đạt được, lực lượng KTHS Công an Thanh Hoá sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, xây dựng trở thành lực lượng chính quy, hiện đại, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về pháp luật. Đồng thời luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và ngành giao phó, xứng đáng là người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân - Vì dân phục vụ”.

65 năm- một chặng đường vẻ vang, các thế hệ CBCS Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Thanh Hoá có quyền tự hào vì đã phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trở thành một trong những đơn vị địa phương đứng đầu cả nước không những về trang bị phương tiện, về đội ngũ cán bộ và Giám định viên tư pháp, mà còn thể hiện trên cả số lượng và chất hượng công việc. Lớp thế hệ Kỹ thuật hình sự hôm nay đã và đang kế tục xứng đáng các thế hệ cha anh đi trước, lập thêm nhiều thành tích, chiến công mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo đảm ANTT, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn phát triển và hội nhập./.

Tác giả: Đình Hợp
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu