A- A A+ |

Giữ vững biên cương: Bài 1. Theo chồng bám bản

Đang có việc làm ổn định ở thành phố, mỗi tháng lương gần 7 triệu đồng, nhưng để chồng yên tâm công tác, chị Nguyễn Thị Thủy bỏ lại tất cả bồng bế con lên bám bản cùng chồng nơi phên dậu Tổ quốc.

Tình nguyện về làm Công an xã

Qua nhiều lần hẹn, mãi đến đầu tháng 4/2021, tôi mới có dịp gặp Thượng úy Phạm Văn Hào, Trưởng Công an xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, một xã biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Khi mặt trời vừa đứng bóng, anh Hào từ bản Ho (bản biên giới giáp với Lào) đi ra, vừa bắt tay vừa nói như thanh minh: “Ở đây không giống miền xuôi, vào bản là mất hết liên lạc anh ạ. Trong bản Ho, người dân phản ánh có đối tượng uống rượu say quấy phá, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự nên anh em phải vào ngay. Tuy cách trung tâm xã chưa đầy 10km, nhưng phải đi gần 1 giờ đồng hồ, xử lý xong công việc cũng mất cả buổi sáng rồi!”.

Một buổi giao ban của Công an xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hoá

 

Vì đã quá trưa, anh Hào mời tôi về nhà (nhà trọ), nơi có vợ và con anh đang đợi cơm. Thay bộ quân phục còn bám đỏ bụi đường, anh Hào nhanh tay bế đứa con gần 2 tuổi để vợ dọn cơm đãi khách. Anh Hào kể: Sinh ra và lớn lên ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, tôi được phân công về Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa công tác. Thực hiện Đề án “Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã”, tôi cũng như nhiều đồng chí, đồng đội khác tình nguyện viết đơn để về cơ sở đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Ngày 26/3/2020, tôi được phân công lên xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã.

Ban đầu, địa bàn mới, công việc mới, lại là khu vực biên giới nên rất buồn và lo lắng. Vừa bước chân về xã, cùng với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, Công an xã còn bắt tay ngay vào thực hiện 2 Dự án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và “Sản xuất, cấp và quản lý CCCD” nên công việc rất nhiều, rất vất vả.

Sau khi được kiện toàn tổ chức, với 5 đồng chí, Công an xã Hiền Kiệt đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với lực lượng vũ trang, Đồn Biên phòng Hiền Kiệt bảo đảm an ninh tuyến biên giới, phân công cán bộ tham gia 2 chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 tại 2 xã biên giới giáp với Lào nhằm phát hiện, ngăn chặn công dân xuất cảnh trái phép qua biên giới, phòng chống dịch Covid-19…

 

Thượng úy Phạm Văn Hào cùng đồng đội tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD cho Nhân dân

 

Riêng lực lượng công an từ khi về xã cho đến nay, đã đấu tranh, xử lý hàng chục vụ, việc các loại như: Bắt quả tang đối tượng Vi Văn Mơ đang tàng trữ trái phép 116 viên ma túy; bắt quả tang Đỗ Thị Phượng, ở bản Poọng 1 đang tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi số lô, số đề cho người dân; bắt quả tang 3 vụ, 3 đối tượng vận chuyển gỗ và động vật rừng trái phép; bắt giữ đối tượng trốn truy nã Lương Văn Điều về tội cố ý gây thương tích; phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng mua bán linh kiện súng tự chế trên không gian mạng; vận động nhân dân giao nộp, thu hồi 15 khẩu súng săn, súng tự chế; lập hồ sơ đưa 5 đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tiếp nhận, hoàn thiện 2.300 hồ sơ căn cước công dân gắn chíp cho công dân…

Những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự của Công an xã Hiền Kiệt đã góp phần ổn định tình hình, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, được cấp ủy – chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Mang những điều này đến trao đổi với đồng chí Lê Hữu Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, ông cho biết: Có thể nói sự có mặt của lực lượng Công an chính quy ở xã đã tạo được niềm tin tưởng, yên tâm của đại đa số người dân trong xã. Nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự đã được lực lượng công an xã giải quyết dứt điểm, các đối tượng hình sự, ma túy, thanh niên ham chơi, hư hỏng… từ đó cũng không dám manh động, hoạt động phức tạp.

Hậu phương vững chắc

Người ta vẫn nói rằng: “Phía sau thành công của người đàn ông, luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Đối với anh Phạm Văn Hào cũng vậy, quyết định lên Quan Hóa công tác và có thể yên tâm làm việc, gắn bó với bà con nơi mảnh đất biên cương Tổ quốc này thì sự đồng tình, ủng hộ của gia đình, vợ con anh là hết sức quan trọng.

Chị Nguyễn Thị Thủy kể về cuộc sống của gia đình mình

 

Trong căn nhà thuê cũ kỹ gần trụ sở Công an xã Hiền Kiệt, vừa ăn cơm, chị Nguyễn Thị Thủy (vợ anh Hào) vừa vui vẻ kể: Khi anh ấy nói sẽ lên Hiền Kiệt công tác tôi cũng mông lung lắm, từ nhà lên đến đó gần 200km, đường sá lại khó khăn, vợ con một nơi, chồng một nẻo không biết sau này sẽ ra sao. Tuy nhiên, trước nhiệm vụ cấp trên giao và quyết tâm của chồng, tôi cũng động viên anh ấy cứ yên tâm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, mọi việc trong gia đình tôi có thể cáng đáng được.

Ban đầu mới lên nhiều việc, đường sá thì xa nên anh ấy cũng ít có thời gian về thăm gia đình. Mỗi khi anh ấy gọi điện về là như muốn khóc vì nhớ vợ, thương con. Ngay cả mấy ngày Tết Nguyên đán 2021, anh ấy cũng không về được vì phải ở lại trực và tăng cường bảo vệ Tết. Những lúc đó, vừa thương chồng, thương mình vì một tay 2 đứa con nhỏ, ngày đêm tối mắt, tối mũi cũng không hết việc.

Vốn tốt nghiệp Đại học công nghiệp Hà Nội (chuyên ngành kế toán), sau khi ra trường chị Nguyễn Thị Thủy vào làm kế toán tại Công ty giầy Hồng Mĩ 1 (khu công nghiệp Hoàng Long, TP.Thanh Hóa) với mức lương từ 6 – đến 10 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Thủy kể tiếp: Thương chồng, thương con, lại là lao động tự do nên tôi quyết định đưa cả 2 con lên Hiền Kiệt để tính kế làm ăn. Mới đầu, anh Hào không nghe vì sợ vợ con khổ, nhưng qua phân tích, tính toán anh ấy cũng xuôi theo, vì dù sao thì được gần gũi gia đình, vợ con là quan trọng nhất, hi sinh một chút cũng chẳng sao.

 

Căn nhà thuê tại xã Hiền Kiệt được vợ chồng chị Thủy mở quán buôn bán Hải Sản

 

Đến tháng 8/2020, chị Nguyễn Thị Thủy xin nghỉ việc ở công ty Hồng Mĩ và bồng bế theo 2 con (đứa lớn 5 tuổi và đứa nhỏ 2 tuổi) lên xã Hiền Kiệt; 2 vợ chồng thuê một căn nhà cũ của người dân gần Công an xã Hiền Kiệt. Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển huyện Hậu Lộc nên những khó khăn, vất vả chị Thủy cũng đã quen và nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống. Để có điều kiện chăm sóc gia đình, chị Nguyễn Thị Thủy liên hệ với các chủ tàu thuyền, các mối buôn bán hải sản ở quê nhà gửi hải sản lên bán cho bà con. Ai biết hoàn cảnh cũng thương 2 vợ chồng trẻ nên cũng ra sức ủng hộ mua hàng.

“Tuy thu nhập từ việc bán hải sản không nhiều, nhưng cũng hỗ trợ được chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Cái được nhất là vợ chồng con cái luôn được gần nhau, lúc ốm, lúc đau dễ bề chăm sóc, qua đó chồng em cũng bớt lo lắng, yên tâm công tác. Tuy mới lên chưa bao lâu, nhưng với việc bán hải sản nên em cũng đã đi khắp các bản, được tiếp xúc, gắn bó với bà con ở đây em thấy rất vui” - Chị Nguyễn Thị Thủy cho biết thêm.

Thực hiện Đề án “Bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã”, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bố trí, điều động 2.597 cán bộ, chiến sĩ công an chính quy thuộc các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố đảm nhiệm các chức danh công an xã tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đánh giá ban đầu, sau khi được bố trí, lực lượng Công an chính quy đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tạo được sự chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự tại cơ sở, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Nhiều địa phương đã tạo điều kiện về mọi mặt để lực lượng công an xã, thị trấn hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn  nhiều đồng chí công an chính quy xuống xã cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, xa gia đình, vợ con... nhưng vẫn cố gắng thu xếp, khắc phục điều kiện hoàn cảnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tác giả: Đình Hợp
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu