Giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động lấy công tác phòng ngừa là chính

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức Hội nghị về công tác Công an trong phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thượng tá Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì Hội nghị.

Theo số liệu, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số lao động trên 400 nghìn người. Do chủ động làm tốt công tác phòng ngừa nên từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 3 vụ đình công, 10 vụ ngừng việc tập thể và khoảng 20 vụ có dấu hiệu tiềm ẩn đình công, ngừng việc. Hầu hết các vụ đình công đều diễn ra tự phát, xuất phát từ những mâu thuẫn về lợi ích giữa người lao động với chủ doanh nghiệp, như: đòi tăng lương, tiền thưởng, điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định, trả lương hàng tháng đúng thời gian quy định, giảm thời gian làm thêm, giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm về ốm đau, thai sản, cải thiện bữa ăn ca, trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động, thay đổi người quản lý sản xuất… 

Thượng tá Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Với vai trò là lực lượng tham mưu nòng cốt trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, các đơn vị Công an trong tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chủ doanh nghiệp… Nhờ đó, hầu hết các vụ đình công, ngừng việc tập thể của công nhân đều được phát hiện sớm và giải quyết kịp thời, không để phát sinh “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự.  

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận đánh giá tình hình, kết quả đạt được; nêu lên những mặt tích cực, những tồn tại hạn chế và đề xuất nhiều nội dung, biện pháp phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, Thượng tá Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các phòng nghiệp vụ tiếp tục tham mưu cho Giám đốc để tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành chức năng và cấp ủy chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa", giai đoạn 2021- 2025, trong đó “lấy công tác phòng ngừa” là chính. 

Đại biểu tham dự hội nghị

Để làm được điều đó, lực lượng Công an cần làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là các cấp Liên đoàn lao động để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm cho doanh nghiệp, người lao động có biện pháp phòng ngừa. Có biện pháp để các doanh nghiệp xây dựng, đăng ký và công khai thang, bảng lương, quy chế trả lương, quy chế nâng lương, nâng bậc, quy chế khen thưởng, công khai nội quy lao động theo quy định của pháp luật. 

Đối với người lao động phải ký cam kết thực hiện nghiêm nội quy lao động của doanh nghiệp, không đình công trái pháp luật. Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, học tập pháp luật về lao động, nội quy lao động… do doanh nghiệp tổ chức, chấp hành các quy định của Luật Công đoàn, rèn luyện ý thức kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp…. 

Riêng lực lượng Công an tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, công tác điều tra cơ bản để phát hiện các dấu hiệu, nguyên nhân tiềm ẩn có thể dẫn đến đình công, ngừng việc để có hướng tháo gỡ, xử lý kịp thời; chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phòng ngừa, giải quyết có hiệu quả các vấn đề có liên quan đến ANTT trên địa bàn tỉnh nói chung, trong các công ty, doanh nghiệp nói riêng để doanh nghiệp, công nhân yên tâm lao động, sản xuất....

Tác giả: Đình Hợp
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu