Xuyên tạc, thổi phồng sự thật – thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch
Lợi dụng tính phổ biến, nhanh chóng và yếu kém trong khâu kiểm duyệt nội dung thông tin của mạng xã hội, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang ra sức thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng cách thổi phồng sự thật nhằm bóp méo, xuyên tạc, làm sai lệch bản chất sự việc. Từ đó, chúng gieo rắc sự nghi ngờ và mất lòng tin trong quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là thủ đoạn không mới nhưng cực kỳ nguy hại, cần lên án, đấu tranh mạnh mẽ, nhằm bảo toàn giá trị tư tưởng, đường lối của Đảng, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 400 bị can liên quan đến những sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước. Việc hàng loạt cán bộ đăng kiểm vướng vào vòng lao lý đã khiến nhiều trung tâm đăng kiểm thiếu nhân lực trầm trọng, dẫn đến tình trạng lái xe phải xếp hàng chờ đợi nhiều ngày, nhưng vẫn chưa thể kiểm định được phương tiện.
Để tháo gỡ khó khăn và giải quyết tình trạng ùn ứ phương tiện chờ đăng kiểm, trên cơ sở văn bản đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an đã cử 50 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm, đồng thời tập huấn cho gần 200 cán bộ khác về quy trình thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ, nhằm tăng cường ngay khi có yêu cầu.
Sự vào cuộc kịp thời của lực lượng Cảnh sát giao thông đã góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về đăng kiểm phương tiện của người dân. Tuy nhiên, bằng lăng kính méo mó và mưu đồ đen tối, nhiều trang mạng xã hội của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị lại cho rằng sự hỗ trợ trên là phi lý, chẳng qua là để đấu đá, tranh giành lợi ích nhóm, bởi lực lượng Cảnh sát giao thông thì không có nghiệp vụ đăng kiểm. Đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn, thể hiện rõ sự thiếu hiểu biết, cố tình thông tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận.
Một dẫn chứng khác cho chiêu bài thổi phồng, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch chính là luận điệu phủ nhận giá trị về công nghệ, độ bảo mật của chip điện tử được ứng dụng trong thẻ căn cước công dân, hay mới đây nhất là hộ chiếu công dân.
Bắt đầu từ ngày 1/3/2023, Bộ Công an thực hiện cấp hộ chiếu gắn chip cho công dân Việt Nam song song với mẫu hộ chiếu cũ không gắn chip. Ngay khi thông tin này được công bố, các trang mạng xã hội lại tràn ngập bài đăng, bình luận cho rằng: gắn chip là để theo dõi công dân, hình thức gắn chip này không được thế giới công nhận. Thế nhưng, sự thật trái ngược hoàn toàn với những gì các đối tượng này tung tin.
Có thể nhận thấy, dù xuất hiện ở thời điểm nào, với sự kiện nào, điểm chung của thủ đoạn này là thêm thắt, nói quá về những sự kiện, sự việc xảy ra trong xã hội, đặc biệt là những sự việc đang được dư luận quan tâm, từ đó bóp méo, xuyên tạc, bôi đen sự thật, làm cho các vấn đề, vụ việc trở nên phức tạp, gây nhiễu thông tin và có thể kích động, đẩy tới rối loạn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Đội trưởng Đội An ninh văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Chiêu bài này được các thế lực thù địch sử dụng rất thường xuyên. Chúng đan xen giữa sự thật với những thông tin xuyên tạc, thật giả lẫn lộn khiến người dân khó phân biệt, dễ tin theo. Ngoài ra, chúng còn gia tăng các hoạt động chống phá trên mạng xã hội bằng cách cắt ghép các clip, trích dẫn không đầy đủ lời nói của lãnh đạo nhằm kích động dân chúng, làm nhân dân mất niềm tin".
Trước những tác động của thông tin đa chiều, đa nền tảng như hiện nay, các thủ đoạn thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn. Do đó, vấn đề đặt ra là phải nâng cao khả năng "miễn dịch" cho nhân dân bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Đội trưởng Đội An ninh văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để đấu tranh có hiệu quả, thứ nhất là chúng tôi tăng cường công tác tham mưu cho Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền để cán bộ, Đảng viên cảnh giác với thông tin xấu độc; phổ biến kịp thời các thông tin chính thống, nhất là các vụ việc, sự kiện được dư luận quan tâm, không để các đối tượng xấu có điều kiện xuyên tạc, thổi phồng, gây phức tạp tình hình. Và triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình đăng tải thông tin sai sự thật, gây mất an ninh trật tự". Chị Đặng Thị Hồng, Trưởng ban Thanh thiếu niên trường học, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa cho biết thêm: "Chúng tôi tận dụng tối đa nền tảng mạng xã hội để thực hiện tốt việc tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, của Đoàn, đăng tải thông tin người tốt việc tốt, đồng thời cũng chú trọng giáo dục tư tưởng cho Đoàn viên thanh niên".
Cần nhấn mạnh thêm rằng, mảnh đất màu mỡ để những thông tin xuyên tạc, sai sự thật phát triển và mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính là sự theo dõi, chia sẻ của công chúng. Thời điểm thuận lợi để chúng gieo rắc hoài nghi vào tâm lý người dân chính là lúc diễn ra những sự kiện, sự việc quan trọng của đất nước. Do đó, bên cạnh những giải pháp từ cơ quan chức năng, bản thân mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác, tích cực tra cứu, kiểm chứng thông tin từ các nguồn chính thống nhằm tránh bị lợi dụng, trở thành người tiếp tay cho các đối tượng xấu lan truyền thông tin thất thiệt./.
Nguồn: Đài PTTH Thanh Hoá