A- A A+ |

Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành không bắt buộc người dân xuất trình sổ hộ khẩu

Cục C06, Bộ Công an đề nghị các cơ quan rà soát, điều chỉnh quy định theo hướng không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

 

 

Bộ Công an đề nghị các bộ ngành không bắt buộc người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính

- Ảnh: TỰ TRUNG

 

Ngày 8-9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương đề nghị phối hợp thực hiện một số nội dung Luật Cư trú năm 2020.

Rà soát bỏ quy định xuất trình sổ hộ khẩu

Theo đó, C06 đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban, ngành khi tiếp nhận yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của người dân thì căn cứ vào thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, thông báo số định danh cá nhân, xác nhận thông tin về cư trú và nghiên cứu, sử dụng các phương thức ứng dụng dữ liệu dân cư… để xác định nơi cư trú của công dân.

Các bộ ngành cũng cần tập trung rà soát, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất với quy định của Luật cư trú 2020, không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

C06 còn đề nghị các cơ quan, ban ngành cần đẩy nhanh tiến độ đảm bảo về hạ tầng, an ninh, an toàn thông tin hệ thống để triển khai kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc kết nối nhằm mục đích sử dụng thông tin về cư trú của công dân thay cho yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và công tác chuyên môn.

 

Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành không buộc người dân xuất trình sổ hộ khẩu ảnh 2

Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip để thay thế cho sổ hộ khẩu. Ảnh: TUYẾN PHAN

 

7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu

Cũng trong văn bản, C06 hướng dẫn các bộ ngành bảy phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Thứ nhất, các cơ quan nhà nước có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú của công dân. Khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD.

Thứ hai, các cơ quan có thể sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chip. Các thông tin gồm số CCCD, số CMND 9 số, họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi thường trú…

Thứ ba, các cơ quan có thể sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD có gắn chip để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Hiện nay Công an cấp huyện đã được trang bị và đang sử dụng loại thiết bị này.

Thứ tư, người dân có thể tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Thứ năm, người dân cũng có thể sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Thứ sáu, người dân được sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú để yêu cầu các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Để có giấy này, công dân trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết.

Thứ bảy, các cơ quan nhà nước cũng như người dân sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết các thủ tục hành chính.


Tác giả: Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Thanh Hóa
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu