Hành trình triệt phá đường dây sản xuất ma túy quy mô lớn
Sau tám tháng kiên trì đấu tranh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương và lực lượng chức năng tập trung điều tra, triệt phá đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia với số lượng rất lớn.
Những năm gần đây, trước lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động mua bán trái phép chất ma túy mang lại, các tổ chức tội phạm người nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa du lịch, núp bóng dưới "vỏ bọc" là các thương gia, ông chủ tập đoàn nước ngoài để lợi dụng sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Ngay từ cuối năm 2018, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục C04 tập trung phối hợp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, rà soát đối tượng, kịp thời phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy ở trong nước. Thông qua kênh hợp tác trong phòng, chống ma túy với Bộ Công an Trung Quốc, đầu năm 2019, C04 nhận được thông tin một số đối tượng quốc tịch Trung Quốc cấu kết với các đối tượng người Việt gốc Hoa ở trong nước, chuẩn bị vận chuyển một lô máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất ma túy tổng hợp tại Việt Nam. Sau nhiều tháng thu thập tài liệu, chứng cứ, C04 nhận định đây là đường dây tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp quy mô lớn, tính chất tinh vi, phức tạp, đã báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá. Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04 được phân công nhiệm vụ Trưởng ban chuyên án.
Sau tám tháng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, với hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia ở nhiều tỉnh, thành phố, Ban chuyên án đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ phạm tội, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an cho phá án. Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04 và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Trung, Cục trưởng Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo phá án. Chuyên án có sự tham gia của các đơn vị A06, A07, A08, C09, K02, Công an các tỉnh: Kon Tum, Bình Dương, Bình Ðịnh, Ninh Thuận, Cao Bằng, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) và Vụ 4, Viện KSND tối cao. Khoảng 6 giờ ngày 6-8, tại khu Làng nghề, thị trấn Ðác Hà, huyện Ðác Hà, tỉnh Kon Tum, gần 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng đồng loạt đột kích vào nhà xưởng của Công ty TNHH xuất, nhập khẩu Ðồng An Viên, nơi các đối tượng đang tiến hành sản xuất ma túy tổng hợp. Tại đây, Ban chuyên án khống chế, bắt quả tang bảy đối tượng đều là người Trung Quốc đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy. Trong đó, lực lượng chức năng đã bắt giữ được đối tượng Thái Tự Lực và Tống Kiến Hoàng (cùng SN 1963, quốc tịch Trung Quốc) là đối tượng chủ mưu cầm đầu. Thái Tự Lực là đối tượng có tiền án chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy tại Trung Quốc, mới được ra tù. Còn Tống Kiến Hoàng là người có trình độ và có kinh nghiệm trong sản xuất ma túy tổng hợp. Các đối tượng còn lại có nhiệm vụ vận hành máy móc, thiết bị.
Ngay sau đó, C04 phối hợp cùng các lực lượng công an các đơn vị địa phương đồng loạt triển khai 10 tổ công tác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, tiến hành khám xét, triệu tập các đối tượng để lấy lời khai, xác minh, thu thập chứng cứ. Tại các địa điểm khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 157 thùng hóa chất các loại, 380 bao hóa chất dạng bột, 84 can hóa chất các loại sử dụng vào sản xuất ma túy tổng hợp (trọng lượng ước hàng chục tấn). Cùng với đó là khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy (hệ thống bình phản ứng, máy gia nhiệt, máy ly tâm, máy sấy khô...). Theo các cán bộ công an với lượng hóa chất, tiền chất nêu trên, nếu sản xuất trót lọt, ước tính các đối tượng sẽ sản xuất được một tấn ma túy tổng hợp dạng "đá".
Các đối tượng khai nhận, chúng nhập cảnh vào Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau, đi đến các địa phương ở xa trung tâm thành phố, tìm những doanh nghiệp có sẵn kho xưởng, có đường vào độc đạo, dễ che giấu việc sản xuất ma túy, lừa đảo doanh nghiệp bằng cách đặt vấn đề thuê kho xưởng để sản xuất thử nghiệm thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột. Nếu thành công, sẽ đầu tư số tiền lớn vào doanh nghiệp và cho làm đại lý độc quyền. Sau khi doanh nghiệp đồng ý, chúng sẽ tập trung sản xuất ma túy tổng hợp trong khoảng 20 ngày sau đó chấm dứt và chuyển sang địa điểm khác để tránh bại lộ.
Tại tỉnh Kon Tum, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo chủ động triệt phá ngay khi đối tượng vừa sản xuất xong ma túy tổng hợp. Sau khi triệt phá đường dây tại Việt Nam, đoàn công tác của Bộ Công an Trung Quốc đã đến Kon Tum phối hợp với C04 trao đổi các thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ phục vụ truy bắt các đối tượng có liên quan hoạt động ở Trung Quốc. Ðến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can tám đối tượng, Công an Trung Quốc khởi tố bị can 18 đối tượng. Lực lượng chức năng hai nước vẫn tiếp tục phối hợp điều tra mở rộng chuyên án này.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, đây là lần đầu C04 xác lập đấu tranh chuyên án chung giữa Việt Nam với nước ngoài để triệt phá toàn bộ đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia. Chuyên án là thành tích xuất sắc, triệt phá đường dây sản xuất trái phép chất ma túy có quy mô, tính chất lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Lực lượng chức năng đã thu giữ được toàn bộ dây chuyền sản xuất, bắt giữ toàn bộ đối tượng chủ mưu, cầm đầu người nước ngoài, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khi phá án.