Công an thành phố Thanh Hóa cảnh báo 5 chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo qua mạng nở rộ trong dịp đầu năm
Trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng Internet để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng.
Công an thành phố Thanh Hóa, khuyến cáo người dân phòng ngừa 5 thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến dịp sau Tết Nguyên đán như sau:
Tin rao tìm cộng tác viên online “làm nhiệm vụ, trả tiền liền”
Một là: Quảng cáo, giới thiệu việc làm để có thêm thu nhập: Lợi dụng nhu cầu của người dân cần tìm việc làm sau dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng lừa đảo sử dụng các hội, nhóm tìm việc online trên các diễn đàn, mạng xã hội đăng tải quảng cáo, tìm kiếm lao động như: thực hiện nhiệm vụ trong các trò chơi, bình luận sản phẩm, đánh máy văn bản tài liệu... với hứa hẹn sẽ được nhận ngay tiền công từ một đến vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, làm việc tại nhà, không phải đầu tư vốn...
Các đối tượng thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc nhưng sau khi nhận được tiền thì cắt đứt liên lạc với nạn nhân. Các nạn nhân mà đối tượng lừa đảo hướng đến thường là người lao động có thu nhập thấp, thất nghiệp, phụ nữ nuôi con nhỏ, học sinh, sinh viên, v.v...
Hai là: Bán vé máy bay, vé tàu xe giá rẻ: Lợi dụng nhu cầu đi lại trở lại nơi học tập, làm việc của người dân gia tăng sau dịp Tết, các đối tượng lừa đảo lập các trang web hoặc các trang facebook giả mạo để đăng tải quảng cáo về các gói combo vé máy bay, vé tàu xe giá rẻ, ưu đãi với số lượng có hạn, hỗ trợ người dân...
Ngoài ra, các đối tượng còn giả mạo là nhân viên, đại lý ủy quyền của các hãng máy bay, có ưu đãi chiết khâu cao, mức giá hấp dẫn; sử dụng đồng bọn giả làm khách đặt mua vé, đăng bình luận, tạo hình ảnh giả về việc mua vé thành công.
Khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng chặn liên lạc để chiếm đoạt tài sản, xóa toàn bộ dấu vết các tài khoản đã sử dụng liên hệ.
Ba là: Cho vay tiền thủ tục nhanh, lãi suất thấp: Những ngày đầu năm sau dịp Tết nhu cầu vay tiền để chi tiêu cá nhân, gia đình tăng.
Lợi dụng việc này, các đối tượng sử dụng mạng xã hội giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, đăng quảng cáo cho vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng.
Sau đó, chúng tạo hình ảnh giả về việc vay tiền rồi yêu cầu nộp trước nhiều khoản tiền như phí mở hồ sơ, phí bảo hiểm để được giải ngân. Sau khi chuyển tiền xong, người vay không nhận được tiền giải ngân và không liên lạc được với đối tượng.
Bốn là: Giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp đưa ra các chương trình tri ân, tặng quà, khuyến mại: Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội hoặc gọi điện thoại, mạo danh các công ty có thương hiệu như Công ty FPT, Siêu thị Điện máy xanh, Tokyo life... liên hệ với nạn nhân để thông báo các chương trình khuyến mãi, tri ân tặng quà, tổ chức các cuộc thi hay thông báo khách hàng đã trúng thưởng các phần quà có giá trị cao như xe máy SH, điện thoại Iphone, sổ tiết kiệm có giá trị vài trăm triệu đồng...
Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng. Nhưng sau khi nhận được tiền, các đối tượng cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân và chiếm đoạt tiền.
Năm là: Giả mạo hoặc chiếm đoạt tài khoản Facebook của du học sinh, người sinh sống ở nước ngoài, nhắn tin cho gia đình, bạn bè nhờ chuyển tiền: Các đối tượng lập tài khoản mạng xã hội giả mạo hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội (thường là Facebook) của du học sinh, người sống ở nước ngoài, sau đó nhắn tin cho gia đình, bạn bè hoặc người thân ở Việt Nam nhờ chuyển tiền giúp.
Bên cạnh đó, để tăng thêm lòng tin, các đối tượng có thể sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Deepfake) để tạo video giả mạo người thân khi gọi điện xác minh. Với thủ đoạn tinh vi trên, các đối tượng đã thực hiện chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân trên địa bàn thành phố Thanh Hóa nói riêng và địa bàn toàn tỉnh nói chung.