Cảnh báo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý, xử lý tro xỉ lò đốt
chấp hành pháp luật BVMT trong quản lý, xử lý tro xỉ lò đốt
Địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện nay có khoảng 25 khu xử lý chất thải công nghệ đốt (lò đốt), bao gồm các khu xử lý được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hoá do các chủ đầu tư trực tiếp quản lý vận hành và các khu xử lý được đầu tư từ ngân sách Nhà nước do UBND các huyện giao cho UBND cấp xã hoặc các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn trực tiếp quản lý vận hành. Ngoài ra có hàng trăm nhà máy sử dụng lò hơi, lò dầu tải nhiệt để phục vụ hoạt động sản xuất mà trong đó phần lớn lò hơi sử dụng nhiên liệu đốt là chất thải công nghiệp thông thường để thu hồi năng lượng; số ít còn lại sử dụng nhiên liệu than đá, nhiên liệu sinh khối như viên nén mùn cưa, viên nén gỗ, củi gỗ…vv. Hoạt động của các lò đốt tại khu xử lý chất thải và lò hơi của các doanh nghiệp nói trên hàng ngày đã làm phát sinh đáng kể lượng chất thải là tro xỉ. Phần lớn chất thải tro xỉ này đều được phân định là chất thải thông thường và có thể sử dụng phục vụ các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, làm vật liệu san lấp mặt bằng… nếu được cơ quan thẩm quyền phân định, đánh giá đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Tuy nhiên thời gian gần đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã liên tục phát hiện, đấu tranh, khởi tố nhiều vụ án gây ô nhiễm môi trường liên quan đến hành vi đổ thải tro xỉ trái quy định (chủ yếu dưới hình thức san lấp mặt bằng, cải tạo đất vườn hộ cá nhân). Điển hình như vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” xảy ra tại thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, đối tượng Giang Xuân Thanh thực hiện hành vi đổ, thải tro xỉ lò đốt xử lý chất thải ra đất trồng rừng (trồng cao su); Vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” xảy ra tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, đối tượng Vũ Văn Tuấn là công nhân vận hành lò hơi đã tự ý chuyển giao tro xỉ cho người dân để sử dụng cải tạo đất vườn; Gần đây nhất Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã phát hiện, đấu tranh, khởi tố vụ án “ Gây ô nhiễm môi trường” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ môi trường xanh Hoàng Hải Hà với vi phạm là sử dụng tro xỉ phát sinh từ hoạt động đốt rác thải để san lấp mặt bằng đất ruộng, cải tạo đất vườn cho người dân có nhu cầu.
Có thể nhận thấy trong khi hầu hết các doanh nghiệp, lò đốt tại các khu xử lý đều hợp đồng với đơn vị đáp ứng năng lực để xử lý tro xỉ, hoặc thực hiện phân định chất thải, công bố hợp chuẩn tro xỉ để sử dụng làm vật liệu san lấp, nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; thực hiện nghiêm túc việc quản lý tro xỉ tại vị trí chôn lấp được quy hoạch thì vẫn còn số ít trường hợp không thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý chất thải tro xỉ, chuyển giao tro xỉ cho tổ chức, cá nhân không đáp ứng năng lực xử lý để sử dụng san lấp mặt bằng tại các vị trí không thuộc quy hoạch bãi chôn lấp. Nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ sự buông lỏng quản lý của chủ nguồn thải, từ nhận thức hạn chế của người được giao quản lý nguồn thải và từ sự thiếu hiểu biết của người dân đối với loại chất thải này. Từ đó nảy sinh tình trạng đối tượng lợi dụng chuyển giao chất thải đưa đi san lấp, đổ thải trái quy định nhằm tiết kiệm chi phí xử lý, hoặc thu lợi bất chính, làm tác động, ảnh hưởng đến môi trường.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo và đề nghị:
- Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp là chủ nguồn thải cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất thải cho cán bộ, công nhân viên, nhất là những người được giao trực tiếp quản lý nguồn thải. Thực hiện nghiêm túc việc phân định chất thải tro xỉ, công bố hợp chuẩn đối với trường hợp sử dụng làm vật liệu san lấp, nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; quản lý chất thải tại kho, khu vực lưu giữ được quy hoạch và đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; chỉ ký hợp đồng và chuyển giao tro xỉ cho tổ chức, cá nhân đáp ứng năng lực.
- Quần chúng nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, không vì hám lợi mà tiếp nhận, sử dụng tro xỉ khi chưa biết rõ đó là chất thải gì, có được phép sử dụng để san lấp mặt bằng, sản xuất vật liệu xây dựng hay không. Tránh bị đối tượng lợi dụng, vô tình tiếp tay để chôn lấp, đổ thải trái quy định loại chất thải này.
- Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm về chuyển giao, tiếp nhận, đốt, chôn, lấp, đổ thải chất thải, tuỳ tính chất mức độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (có thể bị xử phạt VPHC theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt có thể lên đến hàng tỷ đồng; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo Điều 235 – Bộ Luật Hình sự).